Vietstock - Tình trạng thiếu chip tác động tiêu cực đến ngành sản xuất châu Âu
Các nhà sản xuất ôtô là một trong số những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi chip đóng vai trò quan trọng đối với các bộ phận từ hệ thống pin cho đến hệ thống máy tính trên ôtô.
Công nhân hoàn thiện lắp ráp xe ôtô Mercedes Benz A tại nhà máy sản xuất xe Daimler ở Rastatt, miền Tây Nam Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Tình trạng thiếu chip bán dẫn trên toàn cầu đang ảnh hưởng đến ngành sản xuất châu Âu, cản trở đà phục hồi của ngành này và thúc đẩy châu Âu phải xem xét lại chiến lược về chuỗi cung ứng.
Các nhà sản xuất ôtô là một trong số những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi chip đóng vai trò quan trọng đối với các bộ phận từ hệ thống pin cho đến hệ thống máy tính trên ôtô. Một số nhà sản xuất ôtô tại châu Âu gần đây đã buộc phải cắt giảm hoặc tạm dừng sản xuất do thiếu chip.
Cuối tháng Tư, nhà sản xuất ôtô Daimler (Đức) đã giảm thời gian làm việc của người lao động và tạm dừng sản xuất tại hai nhà máy ở Bremen và Rastatt do thiếu chip. Sau đó, Audi cũng đã ngừng sản xuất một phần tại nhà máy ở Neckarsulm.
Tình trạng thiếu chip đã trở thành một thách thức lớn đối với lĩnh vực sản xuất của châu Âu, vốn đang phục hồi mạnh mẽ trong quý 1/2021 nhờ nhu cầu toàn cầu tăng mạnh. Theo thống kê, trong tháng Ba các đơn đặt hàng trong lĩnh vực cơ khí và kỹ thuật của Đức đã tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong một cuộc khảo sát gần đây, Viện nghiên cứu Ifo (Đức) ước tính 45% các công ty sản xuất tại Đức đã chịu ảnh hưởng của tình trạng thiếu chất bán dẫn trong tháng Tư, tỷ lệ cao nhất kể từ tháng 1/1991.
Viện Ifo nhận định tình trạng thiếu hụt các sản phẩm trung gian, trong đó có chất bán dẫn, đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với ngành sản xuất của Đức, đồng thời cảnh báo vấn đề này có thể gây “nguy hiểm” cho đà phục hồi của lĩnh vực sản xuất.
Các nhà sản xuất đồ điện tử tại châu Âu cũng đang theo dõi sát sao diễn biến của tình trạng thiếu chip. Nhà sản xuất thiết bị mạng Nokia (Phần Lan) cho biết sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến trên thị trường, đồng thời đánh giá hoạt động thu mua chip là một yếu tố rủi ro trong báo cáo tài chính quý 1.
Song Sun-jae, một nhà phân tích từ Hana Daetoo Securities tại Hàn Quốc, dự đoán rằng tình trạng thiếu chip có thể kéo dài hơn dự kiến và tiếp diễn vào năm tới. Các lý do đằng sau tình trạng thiếu chip hiện nay trong các ngành công nghiệp châu Âu được cho là khá phức tạp.
Hiện các nhà sản xuất chip châu Á và Mỹ đóng góp phần lớn nguồn cung toàn cầu, trong khi châu Âu chỉ sản xuất khoảng 10%. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 trên quy mô toàn cầu, vụ hỏa hoạn gần đây tại một nhà máy sản xuất chip ở Nhật Bản cũng như thời tiết khắc nghiệt tại các khu vực của Mỹ trong những tháng đầu năm nay cũng là những nhân tố làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu chip.
Hồi tháng Ba, Ủy ban châu Âu đã công bố mục tiêu tăng gấp đôi công suất sản xuất chất bán dẫn lên ít nhất 20% thị phần thế giới vào năm 2030.
Kế hoạch này đóng vai trò rất quan trọng để giải quyết các vấn đề hiện tại và chất bán dẫn cũng sẽ cần thiết cho công nghệ 5G, 6G, xe tự hành, công nghiệp 4.0, Thỏa thuận Xanh, cũng như các ứng dụng xử lý dữ liệu trong tương lai.
Trà My