Vietstock - Bộ Công Thương giải thích lý do dừng khai thác một phần công suất tại nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 tổ chức vào chiều ngày 01/10/2022, đại diện Bộ Công Thương đã giải đáp thắc mắc của phóng viên liên quan đến việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dừng khai thác một phần với nhà máy nhiệt điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam.
Cụ thể, phóng viên xin ý kiến của Bộ Công Thương về việc EVN ngày 31/08 đã đưa ra văn bản thông báo dừng khai thác với phần công suất chưa có cơ chế rã điện của nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam có công suất 450MW. Theo đó EVN sẽ ngưng khai thác với phần công suất 172MW từ ngày 01/09, do chưa có cơ chế về giá điện.
Giải đáp cho câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết dự án được đề cập là Dự án Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500KV Thuận Nam và các đường dây 500KV, 220KV, đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, với tổng công suất 450MW.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Việc huy động nhà máy điện, mua bán điện giữa 2 doanh nghiệp dựa trên hợp đồng mua bán đã ký - Ảnh VGP/Nhật Bắc
|
Trong 450 MW này thì đã có 278 MW đã được EVN nghiệm thu và đã được EVN ký hợp đồng thống nhất giá mua điện của Công ty Trung Nam. Còn lại 172MW, theo hợp đồng EVN vẫn ký kết và đã mua nhưng hiện nay chưa có giá.
Chính vì vậy trong vấn đề 172 MW này về phía Công ty Trung Nam cũng có những thiếu sót là chưa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu công trình theo quy định của pháp luật và EVN đã huy động đưa vào lưới điện.
Do đó mới có việc từ 01/09, EVN thông báo sẽ không mua 172MW này nữa. Còn 27 MW vẫn mua bình thường. Phía Bộ Công Thương cũng đã tổ chức cuộc họp gồm có EVN và Công ty Trung Nam và cũng đã có Thông báo ngày 11/03/2022 nói rất rõ việc huy động nhà máy điện, mua bán điện giữa 2 doanh nghiệp dựa trên hợp đồng mua bán đã ký, khả năng truyền tải công suất của lưới điện và nhu cầu phụ tải hệ thống điện từng thời điểm để đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương cũng đã chờ đợi và yêu cầu EVN là việc khai thác, huy động nguồn điện thuộc thẩm quyền của EVN trên cơ sở các thỏa thuận, hợp đồng đã ký giữa 2 bên và quy định của pháp luật khác liên quan. Và đối với Công ty Trung Nam, Bộ yêu cầu phải hợp tác với EVN để được xem xét giải quyết trên cơ sở hợp đồng 2 bên đã ký. Yêu cầu Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam khẩn trương phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan để hoàn thành hồ sơ nghiệm thu công trình theo quy định của pháp luật và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sau đó có văn bản nghiệm thu của chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật và các quy định khác.
Phía Bộ Công Thương khẳng định, trong chức năng thẩm quyền của mình sẽ tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư, EVN, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để thực hiện theo thẩm quyền và đúng theo quy định pháp luật hiện hành.
Hồng Đức