Vietstock - NÓI THẲNG: Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu, đẩy rủi ro về phía số đông!
Thay vì chỉ nên xử phạt tổ chức, cá nhân không được phép thu đổi ngoại tệ mà cố tình đứng ra mua ngoại tệ thì Nghị định 96 lại gom tất cả các đối tượng mua, bán vào cùng một rọ.
Chuyện anh thợ điện ở Cần Thơ đi đổi 100 USD ở tiệm vàng không có giấy phép thu đổi ngoại tệ, bị công an bắt quả tang và UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt hành chính 90 triệu đồng, nhiều ý kiến cho rằng việc xử phạt như thế là quá nặng và không hợp lý. Bởi, số tiền phạt cao gấp 40 lần "tang vật" vi phạm.
Nhưng nếu cho rằng UBND TP Cần Thơ xử phạt anh thợ điện kia không hợp lý cũng không đúng. Bởi lẽ, trong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, UBND TP Cần Thơ viện dẫn căn cứ pháp lý rất rõ ràng: Khoản 3 điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và NH. Theo điều khoản này, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức "mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ" bị phạt từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Như vậy, việc UBND TP Cần Thơ xử phạt anh thợ điện kia 90 triệu đồng là nằm trong mức xử phạt cho phép.
Nói tóm lại, về lý thì UBND TP Cần Thơ không sai nhưng về tình thì có điều gì đó chưa ổn. Sự chưa ổn bắt nguồn từ quy định của Nghị định 96. Tại điều 24 quy định chung về xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động ngoại hối mà không phân định ra hành vi vi phạm của bên mua hay bên bán, của cá nhân, tổ chức, đồng thời không định lượng giá trị ngoại tệ vi phạm. Cho nên, về nguyên tắc, một người đem bán 1 USD, 10 USD, 50 USD, 100 USD (như trường hợp anh thợ điện) hay bán 10.000 USD... tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ thì cũng bị phạt ở mức từ 80 đến 100 triệu đồng.
Có thể khi xây dựng nghị định này, tiêu chí của cơ quan soạn thảo là nhắm vào hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức vi phạm hoạt động ngoại hối chứ không căn cứ vào mức định lượng giá trị tang vật vi phạm. Việc xác định tiêu chí nào để ban hành mức xử phạt là quyền và mục đích mà cơ quan soạn thảo hướng tới. Nhưng chế tài đó khi áp dụng vào thực tế tạo ra sự bất hợp lý, cho thấy việc xây dựng và xác định tiêu chí để xử phạt chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Mặt khác, đối với người dân, nhất là người dân lao động, có thu nhập thấp, có khi cả đời mới có cơ hội cầm số ngoại tệ ít ỏi trong tay. Họ có cơ hội để cầm, giữ ngoại tệ đã khó, giờ bắt họ phải biết bán cho ai, bán chỗ nào có giấy phép được thu đổi ngoại tệ của NH Nhà nước còn khó hơn gấp nhiều lần.
Vì vậy, thay vì chỉ nên xử phạt tổ chức, cá nhân không được phép thu đổi ngoại tệ mà cố tình đứng ra mua ngoại tệ thì Nghị định 96 lại gom tất cả các đối tượng mua, bán vào cùng một rọ.
Hành vi bán ngoại tệ của anh thợ điện, pháp luật không cấm, chỉ cấm không được bán ở tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. Như vậy, nếu anh thợ điện bán ở tổ chức có giấy phép thu đổi ngoại tệ thì không bị phạt. Cái rủi của anh này là bán ở tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. Lằn ranh đúng - sai pháp luật trong trường hợp này phụ thuộc vào sự may - rủi thì thật đáng để các cơ quan chức năng suy nghĩ. Cụ thể ở đây là NH Nhà nước cần xem lại và đề xuất hướng sửa đổi cho phù hợp.
Quan điểm người viết không cổ xúy cho hành vi sai trái nhưng cũng không tán đồng việc xây dựng pháp luật có chứa đựng các quy định mang tính may - rủi cho người dân.
NGUYỄN ĐỨC