Vietstock - Luật pháp cục bộ
Như thường lệ, Quốc hội khóa XIV sẽ lại xem xét và thông qua hàng loạt dự án luật trong kỳ họp thứ tư bắt đầu vào tuần tới. Câu hỏi đặt ra, liệu quá trình làm luật ở Việt Nam có đáp ứng nhu cầu thực tiễn của cuộc sống.
Việc lồng ghép lợi ích cục bộ của các bộ, ngành trong xây dựng các dự án luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để. Ảnh: THÀNH HOA
|
Sau nhiều nỗ lực, rốt cuộc Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dường như đã thỏa hiệp với dự thảo Luật Quy hoạch. Ông Dũng đã đề nghị các quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất sẽ tuân thủ luật chuyên ngành xây dựng và đất đai, thay vì Luật Quy hoạch mà ông đã bảo vệ suốt thời gian dài.
Luật Quy hoạch, theo nhiều chuyên gia, là một luật mang tinh thần cải cách rất mạnh vì hai lẽ. Thứ nhất, nó bỏ đi tất cả các loại quy hoạch ngành và sản phẩm với hàng núi điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp. Và thứ hai, nó yêu cầu các quy hoạch xây dựng và quy hoạch đất đai phải được lồng ghép vào các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để có nguồn lực thực sự để thực hiện, tránh tình trạng quy hoạch manh mún, cục bộ, duy ý chí, gây lãng phí hiện nay; hàng ngàn bản quy hoạch phải bỏ đi.
Sự thỏa hiệp của Bộ trưởng bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá là “một bước lùi”. Vậy, sức ép nào làm ông phải “thỏa hiệp” để đưa ra dự luật cải cách nửa vời?
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đưa ra một phần câu trả lời: việc lồng ghép lợi ích cục bộ của các bộ, ngành trong xây dựng các dự án luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để; có dự án được Chính phủ thống nhất phương án đưa ra báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để trình Quốc hội, nhưng ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ vẫn chưa thống nhất, còn rất khác nhau dẫn đến phải điều chỉnh chương trình xây dựng luật.
Nhìn vào quá khứ cũng có không ít hạt sạn trong xây dựng pháp luật. Chẳng hạn trong lĩnh vực kinh doanh, Luật Đầu tư năm 2014 quy định các điều kiện kinh doanh chỉ được ban hành từ cấp nghị định trở lên. Điều này có nghĩa, chỉ Thủ tướng mới được ban hành điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Đầu tư thống kê có “hàng chục” các luật thông qua sau năm 2014 đã cho phép Bộ trưởng quy định về điều kiện kinh doanh trong ngành họ quản lý. Chính Quốc hội đã thông qua điều này trái với tinh thần của Luật Đầu tư, và làm khó “cuộc chiến” cắt giảm các điều kiện kinh doanh.
Hệ thống pháp luật bị rối loạn ở chỗ thiếu người thiết kế tổng thể hệ thống, vì vậy không thể biết hệ thống đó có tính ổn định như thế nào. |
Là một trong những người có kinh nghiệm trong Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga biết rõ tình trạng này. Ngay từ khi mới nhậm chức hồi đầu khóa này, bà Nga đã lãnh một nhiệm vụ quan trọng: sửa lại Bộ luật Hình sự với đầy sạn vừa được thông qua trước đó. Tuy nhiên, bà không nhận được chia sẻ từ phía các bộ trưởng. Bà Nga kể lại trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xây dựng pháp luật gần đây: “Hồi đầu khóa khi kiểm điểm luật hình, tôi rất ngấm với việc hò hét các đồng chí (bộ trưởng) có trách nhiệm đi. Anh em chuyên viên hôm nay đi thì nói khác, hôm sau anh em khác lại nói khác. Thế là chết ủy ban thẩm tra chúng tôi rồi”.
Bà Nga phàn nàn, tình trạng này vẫn kéo dài đến tận hôm nay. Ví dụ dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) có hồ sơ trình ra Thường vụ Quốc hội nhưng không có con dấu, không cả đóng dấu, không biết là của ai. Thậm chí, có nội dung trong dự án luật này được tổng kết một đường mà lại được sửa một nẻo. Ví dụ, mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh, thì phương án chọn chính là phương án bị đánh giá tác động không tốt. “Chúng ta vừa không nghiêm túc vừa không đảm bảo chất lượng. Đánh giá tác động luật thì chủ quan theo hướng mình chọn rất hình thức và đối phó để đảm bảo quy trình”.
Một ví dụ khác là dự án Luật Lý lịch tư pháp (sửa đổi) do Bộ Tư pháp chủ trì. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc được giao phụ trách dự luật này, song khi Ủy ban Tư pháp họp thẩm tra thì bộ lại cử Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, người không phụ trách, đi báo cáo giải trình. “Đồng chí Dũng không nắm được, thì không giải trình được”, bà Nga nói và quay sang Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, bà bổ sung: “Báo cáo anh Long, các anh rất bận, nhưng khi cử thứ trưởng thì các anh không cử đúng người. Cho nên bộ ngành khi nói thì hay, nhưng nhìn cụ thể vào các luật thì...”.
Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) do Phó tổng thanh tra Chính phủ Đặng Văn Thanh phụ trách, song khi được thẩm tra tại Ủy ban Tư pháp thì lại được một phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn giải trình và bị bà Nga đánh giá là “không giải trình được”. Bà nói: “Luật Phòng chống tham nhũng là luật được Chính phủ nung nấu từ bao nhiêu năm để đến khi sửa đổi thì đồng chí tổng thanh tra vắng mặt, đồng chí phó phụ trách vắng mặt. Cử người khác đi thì giải trình sao được, vậy sau này ra Quốc hội thì giải trình thế nào?”. Bên cạnh đó, dự án luật này còn bị Ủy ban Tư pháp đánh giá là có nhiều quy trình thủ tục “hình thức, chủ quan”, nhất là tổng kết thực tiễn.
Từ thực tiễn trên, bà Nga nói thẳng: “Cá nhân tôi cho rằng, hệ thống pháp luật bị rối loạn ở chỗ thiếu người thiết kế tổng thể hệ thống. Có tình trạng luật tôi phải ưu tiên nhất nên các luật khác phải sửa theo luật này. Tôi nói nhiều lần rồi. Thiếu người thiết kế tổng thể hệ thống thì không biết hệ thống đó có tính ổn định như thế nào. Ngay Chính phủ trong một số báo cáo đã tổng kết nhà đầu tư không yên tâm vì hệ thống pháp luật thay đổi liên tục”. Bà dẫn chứng, điều 13, khoản 3 của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phép một luật sửa nhiều luật và điều 156 của luật lại cho áp dụng văn bản ban hành sau.
Bà giải thích: “Văn bản ban hành sau nhưng phải cùng loại vấn đề đấy, chứ chẳng hạn dùng Luật các tổ chức tín dụng sửa Bộ luật Hình sự thì sao làm được. Vì thế, Chính phủ phải trả lời, với thiết kế tổng thể như thế thì hệ thống pháp luật của ta đi về đâu?”.
Tư Giang