Vietstock - Tất cả ác mộng của “dân chứng” Mỹ đều bắt nguồn từ thị trường trái phiếu
Những lời tiên đoán về ngày tận thế của thị trường trái phiếu bỗng dưng xuất hiện ngày càng nhiều. Vị tỷ phú đầu tư Stan Druckenmiller cho rằng “cục nợ khổng lồ của chúng ta” sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng. Howard Marks của Oaktree Capital lên tiếng cảnh báo, nợ công và nợ tư nhân sẽ là “ngòi nổ cho khủng hoảng khi tình hình bắt đầu diễn biến xấu đi”.
Nếu bạn là một nhà đầu tư cổ phiếu thì tất cả nhận định tiêu cực trên sẽ khiến bạn run rẩy, bắt đầu lo ngại về thị trường trái phiếu khi xuất hiện các dấu hiệu sớm về “ngày tận thế” của thị trường trái phiếu. Vì vậy, chẳng khó hiểu khi việc lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng mạnh nhất trong 2 năm lại khiến chỉ số S&P 500 ghi nhận 2 phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2018.
“Có rất nhiều người chờ đợi ngày tận thế của thế giới chỉ vì thị trường trái phiếu”, Brad McMillan, Giám đốc đầu tư tại Commonwealth Financial Network, cho hay. “Lãi suất thấp sẽ kéo dài mãi mãi – một số công ty có mức định giá cao là nhờ giả định này. Và giả định đó có lẽ không còn đúng nữa”.
Dĩ nhiên, tuần giảm mạnh nhất trong 1 tháng của S&P 500 cũng chẳng quá lớn – chỉ 1%. Đó là minh chứng cho thấy sự sụt giảm của chỉ số S&P 500 chưa đủ để khiến trader cổ phiếu lo ngại.
Mọi giả thuyết đáng sợ về thị trường trái phiếu đều đủ để khiến những nhà đầu tư giá lên (bull) cảm thấy lo sợ. Những giả thuyết này đều có liên quan tới lượng tín dụng “khổng lồ” ở nước Mỹ và khả năng chúng trở thành nợ xấu. Thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ ngày càng “phình ra”, góp phần vào tổng lượng nợ của Mỹ ở mức 21.5 ngàn tỷ USD.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ tăng cường vay nợ để tận dụng mức lãi suất thấp trong giai đoạn trước. Ngoại trừ lĩnh vực tài chính, các công ty thuộc S&P 500 đã tăng gấp đôi lượng nợ vay lên 5 ngàn tỷ USD trong thập kỷ vừa qua, dữ liệu từ Bloomberg cho thấy.
Nếu lãi suất tiếp tục tăng và tăng trưởng kinh tế suy giảm thì nhiều khả năng, tình hình tài chính của các công ty sẽ trở nên “xấu” đi nhiều.
“Đòn bẩy đang ở gần mức cao nhất mọi thời đại và các công ty sử dụng lượng tiền có thêm từ các đợt cắt giảm thuế để mua lại cổ phiếu thay vì trả bớt nợ”, Max Gokhman, Trưởng Bộ phận phân bổ tài sản của Pacific Life Fund Advisors, cho hay. “Nếu lợi suất trái phiếu tiếp tục gia tăng, thì sẽ rất đáng ngại về khả năng tái phát hành và duy trì đòn bẩy của các công ty”.
Tại thời điểm này, tác động tới thị trường chứng khoán còn khá hạn chế. Chỉ số S&P 500 chỉ cách mức kỷ lục xác lập hồi ngày 20/09/2018 khoảng 1.5%. Đào sâu hơn một chút, chúng ta sẽ nhận thấy các dấu hiệu cho thấy các lo ngại về tín dụng đang tác động tới thị trường như thế nào. Nhóm các công ty với bảng cân đối kế toán tốt hơn (do Goldman Sachs Group tổng hợp) đang tăng 12% so với thời điểm tháng 12/2017, trong khi nhóm công ty với bảng cân đối kế toán xấu hơn thì chỉ tăng 6%.
Đây là một điểm khác biệt so với giai đoạn đầu của thị trường con bò hiện tại, thời điểm các công ty ít bền vững về mặt tài chính liên lục có thành quả cao hơn những công ty vững mạnh về mặt tài chính. Trong suốt 8 năm kể từ tháng 3/2009, những công ty có tài chính yếu hơn lại có thành quả cao hơn những công ty có tài chính mạnh hơn khoảng 10% mỗi năm.
Ngoài ra, một điều rõ ràng đang khiến các nhà đầu tư cổ phiếu phải bận tâm là thị trường trái phiếu biến động nhanh tới mức nào.
Chỉ số Merrill Lynch MOVE Index – vốn theo dõi mức biến động của trái phiếu Chính phủ Mỹ – tăng gần 20% trong tuần này, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2015. Lợi suất trái phiếu Chính phủ ở mọi kỳ hạn đều gia tăng nhờ số liệu kinh tế lạc quan của Mỹ và những nhận định “diều hâu” của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell. Điều này buộc nhà đầu tư cổ phiếu phải định giá lại trong môi trường lãi suất cao hơn.
Chỉ số Russell 200 – bao gồm những cổ phiếu vốn hóa nhỏ – lao dốc 3.8% trong tuần qua, giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2018. Đây đã là tuần lao dốc thứ ba liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 11/2017.
“Bạn chắc chắn phải xem xét tới cấu trúc vốn của tất cả công ty mà bạn đầu tư vào”, Jeanie Wyatt, nhà sáng lập và Giám đốc đầu tư tại South Texas Money Management, cho biết qua điện thoại. “Họ đang nợ bao nhiêu và trong số đó, bao nhiêu là nợ ngắn hạn? Những câu hỏi này bỗng trở nên cực kỳ quan trọng”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)