Vietstock - Mặt trái của FDI với các nền kinh tế
Nếu không thận trọng, các nước nhận vốn có thể thất thu thuế, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên hay để mất công nghệ về tay nước khác.
Tất cả nhà hoạch định sách trên thế giới đều đồng ý rằng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mang lại rất nhiều lợi ích. Nó có thể làm tăng năng lực sản xuất của một nền kinh tế, đưa vào đây không chỉ vốn mà còn cả công nghệ, kỹ năng và quản trị. FDI ổn định hơn nhiều so với vốn đầu tư gián tiếp và vốn vay ngân hàng – có thể bị rút ra rất nhanh trong khủng hoảng. Dù vậy, nó không thuần túy chỉ có lợi.
Để thu hút đầu tư, các quốc gia thường phải đưa ra nhiều chính sách ưu đãi. Chúng rất đắt đỏ và một khi đã ban hành sẽ khó rút lại. Hiệu quả của các ưu đãi, như miễn giảm thuế, từ lâu đã là chủ đề tranh cãi trên toàn cầu. Một là, nếu các công ty đằng nào cũng phải đầu tư vào đây, việc hỗ trợ họ đồng nghĩa chính quyền hy sinh doanh thu thuế một cách vô ích. Hai là việc đối xử đặc biệt với một nhóm doanh nghiệp, hoặc một ngành công nghiệp nào đó, có thể bóp méo nền kinh tế.
Công nhân trong một nhà máy ôtô tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters
|
Nếu các công ty tận dụng cơ chế trọng tài giải quyết tranh chấp giữa chính phủ nước sở tại và nhà đầu tư, giới chức sẽ gặp rắc rối. Czech là một ví dụ. Cách đây vài năm, theo xu hướng toàn cầu, họ cũng khuyến khích đầu tư vào công nghệ năng lượng mặt trời. Nhưng đến năm 2011, khi áp dụng thuế hồi tố 26% với lợi nhuận của các công ty ngành này, họ đã phải nhận cả tấn đơn kiện từ doanh nghiệp ngoại theo Hiệp ước Hiến chương Năng lượng.
Một vấn đề khác là lợi ích của FDI dường như còn phụ thuộc vào việc nó đổ vào hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) hay đầu tư cơ sở mới (greenfield investment), cũng như mục đích của việc đầu tư đó là gì. Trên lý thuyết, M&A có thể giúp quốc gia nhận vốn cải thiện khả năng quản trị và lợi nhuận, đồng thời có tác động lan truyền lên toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, Financial Times cho biết lợi ích tăng trưởng từ FDI thông qua M&A rất khiêm tốn, nếu không muốn nói là không tồn tại.
Nếu mục đích của công ty nước ngoài chỉ là tăng thị phần, và chuyển lợi nhuận về công ty mẹ, tác động với nền kinh tế nước sở tại sẽ bị giảm đi. Nó có thể làm giảm khả năng cạnh tranh quốc tế của các công ty nội, bằng cách khiến tỷ giá thực tăng cao.
Một số doanh nghiệp ngoại thì sử dụng giao dịch vòng (round-tripping), khi để công ty con đi vay trên thị trường vốn nước sở tại, rồi cho vay lại công ty mẹ. Theo Financial Times, việc này sẽ khiến đòn bẩy tại lĩnh vực tư nhân tăng cao. Loại hình đầu tư với mục đích này cũng có thể rút đi rất nhanh trong trường hợp khủng hoảng tài chính.
Trốn thuế cũng là chủ đề gây tranh cãi trong hoạt động thu hút FDI. Ireland là câu chuyện thành công điển hình nhờ FDI, khi đi từ nhóm nghèo nhất châu Âu lên giàu nhất chỉ trong hơn một thập kỷ. Tuy vậy, họ cũng thường được lấy làm ví dụ về các tác động phụ của việc khuyến khích lưu chuyển vốn. Khi Ireland giàu lên, họ cũng thành tâm điểm chỉ trích của các nước khác vì thuế thu nhập doanh nghiệp thấp. Các nước cho rằng đây là công cụ giúp doanh nghiệp toàn cầu ghi nhận lợi nhuận ở Ireland và né thuế.
Một khu phố mua sắm tại Cork (Ireland). Ảnh: Irish Times
|
Một báo cáo cuối năm 2012 của Quốc hội Anh cũng cáo buộc các công ty Mỹ, như Starbucks, Amazon và Google tận dụng chính sách của Ireland, Luxembourg và Thụy Sĩ để ghi nhận phần lớn doanh thu tại Anh, Pháp và Đức nhằm né thuế. Trước đó, Starbucks bị phát hiện có doanh thu 398 triệu USD năm 2011 tại Anh nhưng chưa nộp một đồng thuế nào ở đây. Họ giảm số tiền bị đánh thuế bằng cách chuyển doanh thu sang các chi nhánh ở những nước thuế thấp hơn.
Vấn đề thuế càng trở nên trầm trọng khi cơ quan thống kê Ireland công bố GDP tăng trưởng tới 26% năm 2015. Economist cho rằng con số này chẳng nói lên nhiều về sức khỏe của nền kinh tế Ireland. Nó bị thổi phồng một phần nhờ hoạt động đảo thuế (tax inversion). Trong đó, một công ty Ireland nhỏ hơn mua một công ty nước ngoài lớn hơn. Công ty sau sáp nhập đăng ký tại Ireland để tận dụng thuế thu nhập doanh nghiệp thấp.
Ưu đãi thuế cho nhà đầu tư ngoại và hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp đã khiến các nước đang phát triển thất thu thuế. Họ phải hy sinh nguồn thu lẽ ra có thể chi cho các dịch vụ công, như y tế, giáo dục hay an sinh xã hội. Nhiều báo cáo chỉ ra rằng châu Phi có thể không cần đến viện trợ quốc tế, nếu họ nhận được đủ khoản thuế lẽ ra là của mình. Hoạt động né thuế của các công ty đa quốc gia đã vắt kiệt doanh thu của châu lục này.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Society & Natural Resources của tác giả Michael Long and Paul Stretesky từ Đại học Newcastle Michael Lynch từ Đại học Nam Florida hồi tháng 6 năm ngoái còn chỉ ra ảnh hưởng của FDI lên tài nguyên thiên nhiên của các nước đang phát triển. Nghiên cứu được thực hiện trên 125 quốc tế giai đoạn 2005 – 2013. Theo đó, việc tăng FDI hàng năm khiến nhiên liệu, cây rừng và khoáng sản cạn kiệt. Nó còn làm tăng sự phụ thuộc của các nước này vào nguồn thu từ khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Bên cạnh đó, nếu không thận trọng trong việc phê duyệt các thương vụ đầu tư từ nước ngoài, các nước có thể để mất công nghệ quan trọng về tay quốc gia khác. Hồi tháng 8, Thủ tướng Đức - Angela Merkel lần đầu tiên bác thương vụ một công ty Trung Quốc mua công ty máy công cụ của Đức - Leifeld Metal Spinning. Berlin vẫn đang bị phản đối vì để Midea Group (Trung Quốc) mua hãng robot Kuka cách đây 2 năm. Họ đang muốn giảm tiêu chuẩn để có thể tăng rà soát các thương vụ M&A từ các công ty ngoài EU.
Cùng tháng đó, Tổng thống Mỹ - Donald Trump đã ký bản cập nhật một dự luật mở rộng phạm vi quản lý của Ủy ban Đầu tư nước ngoài vào Mỹ (CFIUS), bao gồm cả các khoản đầu tư nhỏ và thụ động trong 3 lĩnh vực: công nghệ quan trọng, cơ sở hạ tầng và các ngành kinh doanh có sử dụng dữ liệu cá nhân. Anh cũng đang đề xuất bỏ giới hạn kiểm soát với M&A các công ty nhỏ, mua cổ phần nhỏ hay thậm chí mua bản quyền sở hữu trí tuệ.
Những động thái này được đưa ra một phần do các nước lo ngại làn sóng đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc. Không chỉ để tìm tăng trưởng, nó còn giúp các công ty này tăng cường hiệu suất, tính sáng tạo nhờ được chuyển giao công nghệ và tri thức.
Dự án cải tạo cảng và xây KCN Melaka Gateway ở Malaysia do công ty Trung Quốc rót vốn. Ảnh: NYTimes.
|
Trung Quốc còn khởi xướng sáng kiến Vành đai và Con đường, nhằm hỗ trợ hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các công ty. Doanh nghiệp Trung Quốc vì vậy đã đầu tư mạnh tay vào cơ sở hạ tầng và tài sản khác tại các quốc gia trong sáng kiến.
Dù vậy, nhiều nước nhận tiền từ Vành đai và Con đường đã nhận ra rằng đầu tư của Trung Quốc mang đến ít "quả ngọt" hơn họ tưởng. Việc đấu thầu kín đã dẫn đến những hợp đồng bị thổi phồng giá trị, các công ty Trung Quốc đưa lao động nước họ đến làm việc thay vì thuê nhân công địa phương. Malaysia gần đây cũng đã ngừng một số dự án Trung Quốc và muốn thương lượng lại vì lo gánh nợ quá lớn và đối mặt với vấn đề chính trị nhạy cảm.
Giới phân tích cho rằng FDI có thể là một công cụ hữu dụng, nhưng không phải là nền tảng mà một nền kinh tế có thể vô tư dựa vào. Các nhà hoạch định chính sách cần ý thức được rằng FDI là một khoản nợ, mà bằng cách này hay cách khác, đều phải được hoàn trả.
Hà Thu (tổng hợp)