Vietstock - Khủng hoảng vùng Vịnh tác động thế nào đến ngành năng lượng?
Vào ngày 05/06/2017, Ả-rập Xê-út và các đồng minh chủ chốt của họ đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, nhà cung cấp nguồn khí thiên nhiên hóa lỏng hàng đầu thế giới, Reuters cho hay.
Ả-rập Xê-út cùng với Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain cho biết họ sẽ cắt đứt mọi mối quan hệ, kể cả trong lĩnh vực vận chuyển với Qatar. Được biết, quốc gia này cũng bán các sản phẩm dầu mỏ, như khí ngưng tụ, nhưng không phải là một nhà xuất khẩu dầu thô quy mô lớn.
Sự đổ vỡ về ngoại giao này không ảnh hưởng ngay đến sản lượng dầu được bán ra, nhưng cũng phần nào ảnh hưởng đến giá dầu. Trong những ngày gần đây, giá dầu đã biến động mạnh trước mối lo ngại về tình trạng căng thẳng ở vùng Trung Đông.
Động thái này xảy ra sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) – trong đó, Ả-rập Xê-út, UAE, và Qatar đều là thành viên – đã đồng ý kéo dài thời hạn cắt giảm sản lượng để siết chặt thị trường và hỗ trợ giá dầu.
Hiện tại, vẫn không rõ là cuộc khủng hoảng chính trị này sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc đưa ra các chính sách của OPEC, trong đó Ả-rập Xê-út là nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và được xem là quốc gia đứng đầu của tổ chức.
Một nguồn tin trong ngành dầu mỏ của Ả-rập Xê-út cho biết động thái này không hề tác động quá nhiều đến việc đưa ra quyết định của OPEC, đồng thời lưu ý rằng những xung đột chính trị trong nội bộ OPEC, kể cả giữa Ả-rập Xê-út và Iran, trước đây chưa từng khiến OPEC phải bất đồng về chính sách dầu mỏ.
Tác động lên sản lượng khí thiên nhiên hóa lỏng là vẫn chưa rõ ràng
Các chuyên viên giao dịch cho rằng còn quá sớm để nói rằng liệu cuộc bất đồng này sẽ có tác động nào đến sản lượng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trong khu vực hay không, khi cả Ai Cập lẫn UAE vẫn đang đều đặn lấy hàng từ Qatar.
Qatar hiện đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu LNG trên toàn cầu và Ai Cập – quốc gia đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu điện của mình – đã nhập khẩu trung bình khoảng 857,000 m3 LNG mỗi tháng từ Qatar kể từ tháng 1/2016 đến nay, dữ liệu từ Thomson Reuters Eikon cho thấy.
Phần lớn nhiên liệu này được dùng cho máy phát điện.
Năm ngoái, Ai Cập đã quyết định tăng mạnh nguồn cung cho năm 2017, phần lớn trong số này được lấy từ Qatar, mặc dù các chuyên viên nói rằng sản lượng nội địa ngày càng tăng và những nguồn thay thế khác từ Na Uy, Nigeria và Mỹ có thể lấp đầy khoảng cách này.
UAE đã nhập trung bình khoảng 190,000 m3 LNG mỗi tháng từ Qatar kể từ tháng 1/2016.
Tuy nhiên, giới trader đã chỉ ra rằng những thành viên khác của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) như Kuwait – một quốc gia thường làm theo những quyết định do Ả-rập Xê-út đưa ra – đã không có hành động nào chống lại Qatar, ít nhất là đến thời điểm này.
Dữ liệu cho thấy Kuwait đã nhập trung bình khoảng 283,000 m3 LNG mỗi tháng từ Qatar kể từ năm 2016 đến nay.
“Tôi không nghĩ rằng sẽ có tác động nào lên hoạt động nhập khẩu LNG. Chúng tôi nhập khí gas trực tiếp từ Qatar bằng đường biển”, R.K. Garg, trưởng bộ phận tài chính của Petronet, công ty nhập khẩu LNG của Ấn Độ, nói với Reuters.
Theo công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, Ấn Độ là khách hàng lớn thứ hai của nguồn LNG từ Qatar, sau Nhật Bản.
Một chuyên viên giao dịch LNG của Nhật Bản cũng nói rằng ông không cho rằng nguồn cung sẽ bị gián đoạn ngay lập tức.