Vietstock - Facebook và “cái chết hình sin”
Chẳng ai biết biểu đồ hình sin là gì cho đến khi môn Hình học Hyperbol ra đời, đường cong mềm mại của biểu đồ hình sin được ví với chu kỳ “sinh, trụ, dị, diệt” của muôn loài. Kinh tế cũng không ngoại lệ.
Cách đây một thập kỷ, có người đánh giá “Facebook sẽ thống trị thế giới trong vài năm tới”. Nhận xét này đúng nhưng còn thiếu, dù muốn hoặc không cũng không thể phủ nhận “biểu đồ hình sin” cho tất cả mọi thứ tồn tại trong vũ trụ này, hay nói một cách triết học “không gì là mãi mãi”
Ai còn thương nhớ Nokia? Ai còn hoài niệm Yahoo?... chắc chắn sẽ đoán ra một ngày nào đó Apple cũng đi vào dĩ vãng. Nhưng đó là quy luật, vấn đề là các nhà quản trị thương hiệu biết kéo dài chuỗi ngày thịnh vượng đến bao giờ mà thôi.
Ai âm mưu giết Facebook? Khoan hãy nói đến sai lầm ngớ ngẩn của Mark. Tốp 10 mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay có 5 cái tên đến từ đất nước đông dân nhất thế giới. Chúng ta có thể lướt Facebook cả ngày nhưng không mấy ai cần biết mọi nội dung, mọi hình thức trên giao diện phải được “canh chừng” hàng giây đồng hồ, đi kèm là hệ thống máy chủ đồ sộ được vận hành bởi đội ngũ kỹ sư hàng đầu thế giới.
Bao nhiêu năm thống trị thế giới đồng nghĩa với chừng ấy thời gian Facebook chống chọi với sự cạnh tranh khốc liệt, rò rỉ thông tin người dùng chỉ là một trong vô số những chiêu trò cạnh tranh. Cũng có thể Facebook đang say men chiến thắng? Điều này không loại trừ.
Nếu Facebook thu thập dữ liệu tin nhắn, cuộc thoại người dùng, điều đó có ảnh hưởng gì đến chúng ta? “Sự cố” này thật sự nghiêm trọng với những quốc gia có văn hóa đề cao bảo mật cá nhân như Châu Âu, Hoa Kỳ. Với người dân các nước tiên tiến, đó không khác nào sự xúc phạm nhân phẩm danh dự.
Ở góc độ giá trị thông tin, trong số 1,5 tỷ người dùng Facebook không phải ai cũng có những bí mật mà khi lộ ra có tác động lớn đến kinh tế, chính trị. Với đa số người dùng “bình thường”, thông tin của họ dù mang tính cá nhân nhưng không ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới. Thậm chí không ít người phơi phóng cả đời tư lên mạng xã hội-cũng chẳng sao!
Ở Việt Nam hàng triệu thuê bao di động bằng con đường nào đó đã đến tay những công ty tiếp thị và khổ chủ bất đắc dĩ phải nhận những cuộc gọi, tin nhắn vào lúc nửa đêm để mời mua bất động sản, đồ ngủ, sextoy…! Bất kỳ tài khoản trực tuyến nào cũng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, người dùng vẫn… hào phóng!
Tuy nhiên, một người tầm cỡ như Mark, đáng tiếc lại vướng vào một sai lầm thuộc hàng…tầm cỡ! Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN, mấy hôm sau sự cố, CEO Facebook cho rằng “có một số người kêu gọi tẩy chay Facebook nhưng điều đó không mấy ý nghĩa”. Sau phát ngôn này, Mark phải mua quảng cáo nhiều tờ báo giấy lớn nhất nước Mỹ để đăng đàn xin lỗi công chúng.
Ông chủ Facebook quá tự tin vào 1,5 tỷ khách hàng hiện có? Mark có thể là một nhà kinh tế sừng sỏ nhưng trong một phút bối rối đã quên nguyên lý “một que tăm có thể thiêu rụi cả khu rừng”.
Cuối cùng, nếu một ngày Facebook “chết” thì sao? Câu trả lời là: Chẳng sao cả! Vì Nokia hay Yahoo không còn, thế giới vẫn có thêm những sản phẩm công nghệ vượt trội, nhưng chắc chắn Facebook sẽ gây “thương nhớ” nhiều hơn những gì thế hệ “tiền bối” từng làm.
Sự sụp đổ của hàng tỷ niềm tin là điều không quá ngạc nhiên, nhiều quốc gia đã có trại cai nghiện Facebook, nhiều tổ chức độc lập đã lên án Facebook làm tha hóa hành vi con người, điều đó cho thấy thế giới dường như nhận ra mặt trái quá lớn.
Nhưng con người có thể không dùng mạng xã hội được không? Đáng tiếc điều đó phụ thuộc vào những nhà phát triển ứng dụng. Facebook sẽ sống đến bao giờ? Không ai biết được chính xác nhưng dựa vào quy luật, cái “chết” sẽ đến.
Trương Khắc Trà