Vietstock - Indonesia sắp gia nhập "câu lạc bộ ngàn tỷ USD"?
Indonesia đang trên đà trở thành nền kinh tế ngàn tỷ USD và sẽ khiến các quốc gia khác ở Đông Nam Á phải ghen tị. Dẫu vậy, khi xét trên một số thước đo chính, nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á dường như vẫn tụt lại phía sau so với các quốc gia khác.
Indonesia chưa thể bắt kịp với các nước láng giềng về khía cạnh phát triển cấu trúc hạ tầng, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài chính – vốn đang gây áp lực lên ngân sách của quốc gia, và vẫn còn tới 28 triệu người sống trong cảnh nghèo đói.
Được biết, sau các cuộc cải cách, giá trị của nền kinh tế tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua lên mức 932 tỷ USD, với chính quyền của Tổng thống Joko Widodo dự báo tăng trưởng trong năm 2017 là 5%.
Tuy nhiên, quy mô kinh tế không phải là tất cả. Thậm chí, sau 8 đợt cắt giảm lãi suất kể từ đầu năm 2016, nền kinh tế Indonesia vẫn chưa thể tăng tốc: Tăng trưởng tín dụng vẫn ì ạch, trong khi Ngân hàng Trung ương Indonesia dự báo lạm phát thấp sẽ còn tiếp diễn thêm một khoảng thời gian. Bức tranh kinh tế còn trở nên phức tạp hơn khi có sự khác biệt rõ rệt trong tăng trưởng kinh tế giữa 17,000 đảo khác nhau của Indonesia, trong đó tăng trưởng nằm trong khoảng từ mức âm cho đến hơn 7%.
“Đây là một nền kinh tế tương đối lớn và có nhiều tiềm năng, nhưng làm thế nào để tăng trưởng trở nên bền vững hơn ở mức cao tương đối là một bài toán khó giải quyết. Điều này còn quan trọng hơn cả quy mô tổng thể của nền kinh tế”, Euben Paracuelles, Chuyên gia kinh tế tại Nomura Holdings ở Singapore, cho hay.
Tăng trưởng bền vững đóng vai trò là tiền đề để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vốn đang trở lại Indonesia 20 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Dự trữ ngoại hối đang ở mức cao kỷ lục với 129 tỷ USD, trong khi dòng vốn chảy vào thị trường trái phiếu nước này cũng gần mức kỷ lục.
Trong tháng 5/2017, S&P Global Ratings cùng với 2 công ty xếp hạng tín nhiệm khác đã nâng Indonesia lên mức hạng “đầu tư” (investment grade status) nhờ cách tiếp cận thận trọng hơn đối với ngân sách. Đồng tiền Rupiah của Indonesia khá ổn định trong năm nay, sau khi tăng 2.3% so với đồng USD trong năm 2016.
3 biểu đồ dưới đây cho thấy các thách thức mà Tổng thống Joko Widodo – còn được biết tới là Jokowi – và chính quyền của ông đang đối mặt:
Lỗ hổng về cơ sở hạ tầng
Ông Jokowi đang đẩy mạnh chi tiêu vào đường bộ, đường sắt và cảng biển vì ông hướng đến mục tiêu tăng trưởng 5.4% vào năm tới. Tuy nhiên, sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng đang phá hoại nỗ lực trên. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng Indonesia cần phải chi thêm 1.5 ngàn tỷ USD để đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng hiện nay, và cần thêm 500 tỷ USD cho chi tiêu cơ sở hạ tầng trong vòng 5 năm tới.
Sau nhiều năm thiếu hụt đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tốc độ tăng trưởng của chi tiêu Chính phủ trên đầu người đã tụt lại phía sau Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia, WB cho biết. Tăng trưởng của đầu tư công chỉ bằng một nửa tăng trưởng của nền kinh tế trong giai đoạn 2005-2015, và chất lượng cơ sở hạ tầng ở đây cũng thua kém các quốc gia trong khu vực và nhiều quốc gia mới nổi khác.
Áp lực ngân sách
Indonesia vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ doanh thu thuế trên GDP thấp nhất trong khu vực, trong đó Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính ở mức 12% tại thời điểm 2 năm về trước. Sau đó, tỷ lệ này đã rớt xuống mức 10.3% – một con số mà Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho là “thấp và không thể chấp nhận được”. Bà Indrawati dự định thúc đẩy tỷ số doanh thu thuế trên GDP lên 16% vào năm 2019.
Sự thiếu hụt doanh thu thuế đang gây áp lực lên ngân sách, và Chính phủ Indonesia có nhiệm vụ giữ thâm hụt ngân sách dưới mức 3% (xét trên GDP). Tổng thống Jokowi đã cắt giảm chi tiêu trong tháng 7/2018, khi khoản thâm hụt có dấu hiệu tiến gần về mức giới hạn với 2.9%.
Xóa đói giảm nghèo
Mặc dù vẫn trong trong quá trình xóa đói giảm nghèo, nhưng Indonesia có gần 28 triệu người dân vẫn đang trong tình trạng nghèo đói. Tỷ lệ nghèo của nước này ở mức 10.6% trong tháng 3/2017, chỉ giảm 0.2% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều người dân Indonesia vẫn dễ bị tác động trước các cú sốc, với hơn 60 triệu người có nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo đói trong năm 2016, WB cho biết vào đầu tháng 10. Mặc dù tiền lương trung bình đã tăng 24% trong vòng 1 năm tính tới tháng 2/2017, nhưng những người thuộc nhóm thu nhập cao hơn vẫn có tăng trưởng tiền lương cao hơn nhóm người có thu nhập thấp.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)