Vietstock - Môi trường kinh doanh vẫn cản doanh nghiệp
Tại hội thảo về việc thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 20-11, các diễn giả đánh giá vẫn còn nhiều rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp
VCCI đã tiến hành khảo sát 10.000 doanh nghiệp (DN) trong nhiều lĩnh vực khác nhau, kết quả cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh trong những năm qua đã được cải thiện nhưng chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, các địa phương. "Hai lĩnh vực được đánh giá cải thiện tốt nhất là thành lập DN và tiếp cận điện năng" - ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho biết và chỉ ra việc phải xin giấy phép con vẫn diễn ra phổ biến. Tỉ lệ DN gặp khó khăn khi xin giấy phép kinh doanh có điều kiện là trên 58%; đa số DN vẫn gặp khó khi xin giấy phép xây dựng và thẩm định phương án phòng cháy chữa cháy.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nêu thực trạng báo cáo của các cơ quan thuộc Chính phủ rất lạc quan về những thành tích, con số cắt giảm điều kiện kinh doanh trong khi DN phản ánh chưa được hưởng nhiều thuận lợi. "Thước đo quan trọng nhất là sự hài lòng của người dân và DN. Những con số trên giấy tờ, công văn không có ý nghĩ thực tiễn nếu cải cách đó không mang lại lợi ích thật sự cho DN" - ông Lộc nhấn mạnh.
Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp đã thuận tiện, đơn giản hơn trước. Trong ảnh: Đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
|
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chỉ ra rằng các nghị định xử phạt vi phạm hành chính đang tập trung vào chế tài xử phạt DN làm sai mà chưa có bất cứ điều khoản nào để xử lý hành vi làm sai của cán bộ công chức dù không ít cán bộ công chức thuộc cơ quan quản lý nhà nước làm sai hoặc làm ngược quy định, chỉ đạo hành chính. "Công tác chỉ đạo hành chính, quy định hành chính chưa phù hợp gây tác động lớn đến DN. Thiệt hại về thời gian, tiền bạc có thể đo đếm được, còn thiệt hại về cơ hội, thời cơ làm ăn thì không tính được và không ai chịu trách nhiệm" - ông Nam nói.
Đề cập đến tình trạng "trên nóng dưới lạnh" trong cải cách môi trường kinh doanh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng bà rất bất ngờ khi người đứng đầu Chính phủ đã chỉ ra tồn tại này nhưng không có bất cứ cấp dưới nào bị xử lý. Theo bà Lan, ở trên phải "nóng" hơn nữa để cải thiện tình trạng quá "lạnh" ở tuyến dưới. "Không có vị thủ trưởng nào chấp nhận cấp dưới cứ quấy nhiễu, ảnh hưởng cả bộ máy" - bà Lan nhận xét.
Bà Lan cũng nhận định nếu tình trạng "trên nóng dưới lạnh" không được khắc phục trong bối cảnh Việt Nam vừa thông qua CPTPP và đang đàm phán các hiệp định thương mại khác thì sẽ không đủ sức cạnh tranh về thể chế.
Trên thực tế, một số địa phương đã có chuyển biến tích cực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Ông Đặng Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, nhìn nhận địa phương này rất nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư. Đến nay, tỉnh đã có hơn 1.800 dự án với 9.950 DN đang hoạt động. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại với DN, ghi nhận khó khăn để khắc phục. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho DN. UBND tỉnh Đồng Tháp cũng "mở rộng cửa" với người dân và DN. Theo bà Phạm Thị Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, lãnh đạo tỉnh này tiếp dân, DN từ 6 giờ 45 phút đến 8 giờ mỗi ngày. "Lãnh đạo các sở, ngành cũng có mặt trong các buổi tiếp. Khi lãnh đạo tỉnh đã tiếp nhận vấn đề thì các sở cũng không thể thờ ơ mà phải giải quyết ngay cho DN" - bà Đào cho hay.
Ngại đưa tranh chấp thương mại ra tòa Theo VCCI, tỉ lệ DN sẵn sàng khởi kiện khi có tranh chấp với đối tác đang giảm dần theo từng năm do thời gian theo đuổi vụ kiện kéo dài, chi phí cao, tình trạng "chạy án" còn diễn ra. Trong trường hợp không khởi kiện, các DN buộc phải sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp khác như trọng tài thương mại, nhờ cán bộ nhà nước tác động, đưa ra báo chí, thậm chí là sử dụng xã hội đen. |
MINH CHIẾN