Vietstock - Ông Phạm Công Danh: “Nếu biết thực trạng của Đại Tín, tôi không bao giờ dám đụng vào”
Một lần nữa trước Hội đồng xét xử (HĐXX), ông Phạm Công Danh cho biết, sai lầm lớn nhất của ông là đã quá chủ quan và tin tưởng bà Hứa Thị Phấn. Nếu biết được thực trạng của Ngân hàng Đại Tín thời điểm đó thì ông không bao giờ dám làm, không bao giờ dám đụng vào.
* 'Đằng sau' căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch trong vụ xét xử bà Hứa Thị Phấn
* Trước Đại Tín, bà Hứa Thị Phấn đã từng “kinh” qua 5 ngân hàng
* Triệu tập đại diện NHNN đến phiên tòa xét xử bà Hứa Thị Phấn
Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm bà Hứa Thị Phấn và 27 đồng phạm chiều ngày 11/05, ông Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB), nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh có mặt tại tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Trả lời câu hỏi của luật sư liên quan đến căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, ông Danh cho biết, sau khi mua lại Đại Tín để tái cơ cấu và đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng (VNCB) ông chưa bao giờ được bà Phấn hay bất cứ ai đề cập đến thông tin về giá trị thật của căn nhà được mua với giá gấp đến 8 lần giá thị trường như vậy.
Theo ông Danh, vào tháng 8/2014, sau khi nhận chuyển giao Đại Tín thì Ngân hàng Xây dựng đã quyết định định giá lại căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch này. Khi có được kết quả định giá chỉ còn hơn 181 tỷ đồng, ông Danh khẳng định mình quá sốc và bàng hoàng.
Ông nói: “Nếu biết được thực trạng như thế này thì không bao giờ tôi dám làm, không bao giờ tôi dám đụng vào. Sai lầm lớn nhất của tôi là đã quá chủ quan và tin tưởng bà Phấn vì bà thực sự quá giỏi. Thời điểm đó, tôi đã đưa cho ông Thắm (Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank) 500 tỷ đồng và bỏ ra không dưới 1,000 tỷ đồng cùng tiền trả lãi ngoài chăm sóc khách hàng, tất cả đều có chứng từ”.
Về căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch cùng nhiều tài sản khác, ông Danh cho biết đã mang toàn bộ hồ sơ và làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhiều lần nhưng NHNN không can thiệp một cách dứt khoát. “Nếu NHNN dứt khoát thì đã không có hậu quả ngày hôm nay”.
Nguyên chủ tịch HĐQT VNCB Phạm Công Danh - Ảnh: Nguyễn Khánh (Tuổi Trẻ)
|
Cùng với Phạm Công Danh, ông Phan Thành Mai – nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Xây dựng cũng chia sẻ trước tòa, những sự việc tương tự như căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch là một trong các nguyên nhân cơ bản dẫn đến ông và nhiều bị cáo khác (liên quan đến đại án tại VNCB và Oceanbank) có những động cơ vi phạm và đã bị kết án.
Được biết, sau khi mua xong Đại Tín và định giá lại căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch thì Ngân hàng Xây dựng đã không thể bán được vì một số lý do. Thứ nhất, giá trị trên sổ sách quá cao và giá trị đơn vị độc lập thẩm định định giá lại quá thấp (giá trị thẩm định tương đương với giá thị trường). Vì thế chênh lệch giữa giá trị sổ sách và giá trị thị trường lên tới hơn 1,000 tỷ đồng. Nếu bán ở giá trị thật của thị trường thì Ngân hàng sẽ tiếp tục lỗ.
Thứ hai, Ngân hàng Xây dựng tại thời điểm ông Phan Thành Mai tiếp quản đã trượt rất xa, âm thêm khoảng 2,000 tỷ đồng vào lỗ lũy kế và vào vốn chủ sở hữu. Do đó, nếu bán căn nhà này ở giá trị thấp thì khó khăn càng thêm khó khăn trong hoàn cảnh Ngân hàng tiền mặt không có, các chỉ số của ngân hàng nằm ở mức rất thấp và ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động kinh doanh của Ngân hàng.
Thu Phong