Vietstock - Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa nếu cấm nhập khẩu lúa mì từ thị trường Nga, Canada...
Phát hiện cỏ “cirsium arvense” trong lúa mì nhập khẩu đẫn dến nguy cơ Việt Nam cấm nhập khẩu nguyên liệu này tại một số thị trường lớn. Nếu điều đó xảy ra, nhiều doanh nghiệp có khả năng đóng cửa.
7 tháng vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu gần 3,13 triệu tấn bột mì với kim ngạch khoảng 750 triệu USD. Loại nguyên liệu này đã giúp phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, thông tin một số lô hàng có cỏ Cirsium arvense mà có thể buộc phải tái xuất hoặc ngưng nhập khiến cho rất nhiều doanh nghiệp hoang mang.
Nguy cơ Việt Nam cấm nhập khẩu lúa mì từ các thị trường lớn
Trong cuộc toạ đàm về lúa mì mới đây, ông Lê Sơn Hà - Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Từ đầu năm tới nay, mỗi ngày, chúng tôi đã phải huy động hơn 30 cán bộ kiểm dịch đi bốc dỡ và tiêu hủy các lô hàng có cỏ Cirsium arvense. Cục cũng đang làm việc với các cơ quan hữu quan tại Nga, Canada... yêu cầu họ cho lọc bỏ cỏ bên đó trước khi xuất đi.
Nguy cơ cấm nhập khẩu lúa mì vì phát hiện cỏ “cirsium arvense” trong một số lô hàng vào Việt Nam
|
Theo thống kê, thị trường nhập khẩu lúa mì chính của nước ta trong 8 tháng đầu năm 2018 là Nga, chiếm 53% thị phần; Australia chiếm 25%, Canada chiếm 9%, Mỹ chiếm 4% và Brazil chiếm 2%.
Theo ông Hà, Cục Bảo vệ thực vật có lý do để cấm loại cỏ này vì chúng có nguy cơ gây hại tới môi trường và ảnh hưởng tới sản xuất. "Các doanh nghiệp cần phải thay đổi nhà cung ứng lúa mì, chuyển sang những thị trường khác như Braxin, Kazakhstan." - ông Hà nói.
Nếu nguy cơ "không quản được thì cấm" này trở thành hiện thực thì các doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì sẽ đứng trước một khó khăn lớn. Bởi vì, như ông Phan Thông Cường - Đại diện của Công ty Việt Nam kỹ nghệ Bột mì cho biết: Chất lượng nguồn lúa mì khác không thể thay thế được sản phẩm của Nga hay Canada. "Chúng tôi cũng đặt vấn đề với các nhà xuất khẩu như bên Nga, Canada rằng quy định Việt Nam không được nhập khẩu lúa mì có cỏ Cirsium arvense, họ rất ngạc nhiên và bảo thẳng rằng họ không bán cho chúng tôi nữa". ông Cường thông tin.
Nếu đột ngột cấm, doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa nhà máy
Trước khả năng cao sẽ phải cấm nhập khẩu lúa mì từ một số thị trường lớn của Việt Nam, Ông Lim Pang Boon – Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất bột mỳ VIMAFLOUR cho rằng: Việc không quản được là cấm khiến doanh nghiệp rất sốc. Nếu cấm và không thể tìm được nguồn thay thế, công ty sẽ đóng cửa rất nhiều nhà máy, hệ lụy rất lớn. Ông Lim Pang Boon cũng không hiểu: Thái Lan, Indonesia họ không cấm cây cỏ này sao Việt Nam lại cấm?
"Ngay bây giờ, nếu thực hiện việc cấm nhập lúa mì có cỏ Cirsium arvense, các doanh nghiệp sẽ không thể tìm được nguồn nguyên liệu ít nhất là trong vài năm tới" - ông Phan Thanh Hiếu - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bột mì Bình An khẳng định.
"Nếu thực hiện việc cấm nhập lúa mì sẽ không thể tìm được nguồn nguyên liệu ít nhất là trong vài năm tới", ông Phan Thanh Hiếu - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bột mì Bình An.
|
Hệ lụy dễ dàng trông thấy nếu như cấm nhập khẩu lúa mì từ các nước có nguồn lúa chất lượng cao, chính vì vậyViệt Nam sẽ không thể sản xuất các loại bột theo nhu cầu của thị trường. Việc hạn chế nguồn cung dẫn đến sản xuất ra các loại bột thấp cấp, các loại bột khác sẽ bị hạn chế, giá nguyên liệu cao, đồng nghiã với việc chặn đường xuất khẩu của chính Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng cho rằng, giá nguyên liệu tăng lên, xuất khẩu không đáp ứng đủ các loại bột mì thì ngay đến bột mì cũng sẽ phải nhập khẩu. Nhu cầu trong nước có, nhà máy có nhưng khi đó chính Việt Nam lại phải nhập khẩu bột mì là một việc "rất đau".
Nhiều doanh nghiệp yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật đưa ra con số thống kê tác hại cụ thể nếu có của cỏ Cirsium arvense với nông nghiệp các nước, như nước Nga chẳng hạn, thay vì chỉ nói tác hại "chung chung" không có nghiên cứu khoa học, chi tiết như hiện nay.
Bảo Loan