Theo Dong Hai
Investing.com – Tính đến phiên ngày thứ Năm (20/6), đồng yên đã giảm 6 phiên liên tiếp, đánh dấu chuỗi phiên giảm dài nhất trong 3 tháng. Tỷ giá yên so với đồng USD kết thúc ngày giao dịch ở mức gần 159 yên đổi 1 USD - mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 4/1990, theo Bloomberg.
Mức tỷ giá này cách không xa mức đáy nội phiên của 34 năm là 160,17 yên/USD thiết lập hồi tháng 4 - diễn biến đã dẫn tới việc Bộ Tài chính Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) can thiệp thị trường.
Nguyên nhân chính khiến đồng yên mất giá vẫn là chênh lệch lãi suất dai dẳng giữa Nhật Bản và các nền kinh tế lớn khác, đặc biệt là Mỹ. Tuần trước, nhà đầu tư thất vọng khi BOJ trì hoãn công bố kế hoạch chi tiết cho việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu, và dự kiến đến cuộc họp tháng 7 mới công bố kế hoạch này. Sự dè dặt của BOJ về tiến trình bình thường hoá chính sách tiền tệ khiến thị trường hoài nghi về triển vọng hồi phục của tỷ giá đồng yên.
Phiên ngày thứ Năm, lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc giảm mạnh, gây thêm áp lực mất giá lên đồng yên và các đồng tiền châu Á khác. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ với đồng yên Nhật vì hai quốc gia là đối tác thương mại lớn của nhau và đều là những nền kinh tế có hoạt động thương mại hàng đầu trong khu vực.
Bạn chưa biết cách phân tích và định giá doanh nghiệp dựa trên các thông tin về lợi nhuận và doanh thu? Đừng lo, chúng tôi có công cụ định giá và phân tích cho bạn. InvestingPro giúp bạn biết giá hợp lý để mua và bán cổ phiếu. Dễ sử dụng với mọi thông tin có sẵn cho nhà đầu tư không chuyên, InvestingPro còn có chi phí hấp dẫn (chỉ trong năm nay). Hãy tìm hiểu về công cụ này tại đây để nhận được ưu đãi link dưới đây:
Trong tháng 4 và tháng 5, Bộ Tài chính Nhật Bản đã chi khoảng 63 tỷ USD để giải toả bớt áp lực mất giá đối với đồng yên.
Theo các chiến lược gia của ngân hàng JPMorgan Chase, Bộ Tài chính Nhật sẵn sàng can thiệp vào thị trường lần nữa nếu cho rằng biến động tỷ giá đồng yên trên thị trường là “quá mức”, “mang tính đầu cơ” và “không phản ánh đúng các yếu tố kinh tế nền tảng”. Cũng theo nhóm này, tốc độ mất giá của đồng yên, và bản chất của sự mất giá đó - chẳng hạn do đầu cơ - sẽ là những yếu tố quyết định nhà chức trách có can thiệp vào thị trường hay không.
Hôm thứ Năm, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố bổ sung Nhật Bản vào danh sách giám sát ngoại hối như trong báo cáo gửi lên Quốc hội nước này, nhưng không nêu tên Nhật Bản hay bất kỳ quốc gia nào khác là quốc gia thao túng tiền tệ. Dù có đề cập đến các biện pháp can thiệp vào tháng 4 và tháng 5 của Nhật Bản, báo cáo tập trung vào thặng dư thương mại và thặng dư tài khoản vãng lai lớn của Nhật Bản với Mỹ.
Trong những tuần gần đây, giới chức Nhật Bản tỏ ra thận trọng về vấn đề can thiệp tỷ giá. Đầu tháng 6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Shunichi Suzuki cho biết giới chức đang tiếp tục theo dõi diễn biến tiền tệ nhưng việc can thiệp chỉ nên được thực hiện trên cơ sở hạn chế.
“Tôi ngày càng tin rằng nhà chức trách tiền tệ Nhật Bản đang từ bỏ nỗ lực vực dậy đồng yên. Chênh lệch lãi suất là quá lớn để có thể giải quyết vấn đề ngay bây giờ. Mỹ dự kiến chỉ giảm lãi suất 1 lần trong năm nay, nên tình hình sẽ không sớm được cải thiện”, nhà giao dịch Helen Given của công ty Monex nói với Bloomberg.
Tuy nhiên, ông Masato Kanda - quan chức cấp cao nhất về vấn đề tỷ giá của Bộ Tài chính Nhật Bản - ngày thứ Năm nói rằng không có một hạn chế nào về nguồn lực của Nhật Bản để phục vụ cho việc can thiệp ngoại hối, theo hãng tin Jiji News.
Giám đốc Amo Sahota của công ty Klarity FX nhận định áp lực mất giá đối với đồng yên đang tăng vì thị trường thất vọng với sự thận trọng của BOJ. “Có vẻ như BOJ đang phó mặc đồng yên cho thị trường. Nếu đúng là như vậy thì giới đầu cơ sẽ tiếp tục giao dịch carry-trade như họ đang làm. BOJ và Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ phải cảm thấy lo ngại hơn hoặc phải chú ý hơn để khả năng phải can thiệp thị trường”, ông Sahota nói.