Vietstock - Thoái vốn SaigonBank và... đất!
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa công bố sẽ bán đấu giá công khai 15 triệu cổ phiếu, tương đương 4,9% cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank). Bên bán chưa công bố giá khởi điểm, nhưng hiện trên thị trường OTC, giá cổ phiếu SaigonBank dao động trong khoảng 10.000-12.000 đồng.
Người ta mua cổ phiếu SaigonBank không chỉ vì quan tâm đến hoạt động ngân hàng, mà chủ yếu vì... đất! Ảnh: THÀNH HOA
|
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa công bố sẽ bán đấu giá công khai 15 triệu cổ phiếu, tương đương 4,9% cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank). Bên bán chưa công bố giá khởi điểm, nhưng hiện trên thị trường OTC, giá cổ phiếu SaigonBank dao động trong khoảng 10.000-12.000 đồng.
VietinBank vốn là một trong những tổ chức sáng lập SaigonBank và lúc đầu nắm giữ chừng 10% cổ phần. Cách đây hai năm, VietinBank đã bán hơn một nửa số cổ phần SaigonBank mà họ sở hữu và giá đấu thành công xấp xỉ 12.000 đồng/cổ phiếu.
Việc thoái vốn khỏi SaigonBank của VietinBank là để thực hiện quy định của Thông tư 36 về xử lý sở hữu chéo. Trước VietinBank, Vietcombank cũng đã thoái vốn khỏi SaigonBank, Ngân hàng TMCP Phương Đông và sắp tới sẽ đấu giá giảm tỷ lệ sở hữu tại Eximbank và Ngân hàng TMCP Quân đội.
Việc đấu giá cổ phần Eximbank, Quân đội dự kiến sẽ diễn ra “phẳng lặng” do cả hai ngân hàng này đã niêm yết. Những ai có nhu cầu mua, có thể mua trực tiếp trên sàn, bao nhiêu cũng có. Tất nhiên mua tới 5% cổ phần của mỗi ngân hàng, trở thành cổ đông lớn thì phải có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước vì đây là ngành nghề đặc thù.
Trong khi đó, ai sẽ trở thành chủ sở hữu 15 triệu cổ phiếu của SaigonBank tới đây có vẻ sẽ gay cấn. SaigonBank là ngân hàng nhỏ về vốn điều lệ (3.080 tỉ đồng), nhỏ về tổng tài sản, thấp về dư nợ tín dụng và cũng thấp về nợ xấu tính theo số tuyệt đối. Nhỏ thế nhưng SaigonBank lại có nhiều tài sản là bất động sản được tích lũy từ hàng chục năm trước. Chỉ riêng hai tài sản là khách sạn Riverside trên đường Tôn Đức Thắng quận 1, và tòa nhà Châu Văn Liêm, quận 5, TPHCM nếu mang đấu giá bây giờ, có thể thu về số tiền bằng vốn điều lệ.
Cổ đông của SaigonBank lại cô đặc. Cổ đông lớn nhất là Văn phòng Thành ủy TPHCM nắm hơn 18% vốn. Ngoài ra còn có Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận và Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa cùng nắm hơn 16%, kế đến là Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) với tỷ lệ sở hữu hơn 14%. Bốn đơn vị này đang nắm giữ hơn 65% vốn của SaigonBank. Một nhóm cổ đông nhỏ lẻ sở hữu khoảng 5% sau các đợt mua gom trên thị trường. Một nhóm nhà đầu tư khác có liên quan đến ngành nghề bất động sản đang có trong tay ước 11% cổ phần. Nhóm này mua từ các đợt thoái vốn SaigonBank của một số tổ chức trước đây. Tỷ lệ cổ phần còn lại rải rác trong tay các cá nhân và một số doanh nghiệp, nơi này nơi kia 1-3%.
'Những nhóm cổ đông nắm giữ từ 5% cổ phần SaigonBank trở lên dường như đều có ý chờ đợi đợt thoái vốn của văn phòng Thành ủy TPHCM và các doanh nghiệp nhà nước hiện đang nắm tổng cộng 65% vốn của SaigonBank, để đưa tỷ lệ sở hữu về dưới 20% theo quy định của Luật các tổ chức tính dụng. Ai trúng đợt thoái vốn qua đấu giá này có khả năng trở thành nhóm “ông chủ” của ngân hàng.
Điều mà những tổ chức, cá nhân muốn trở thành cổ đông chi phối của SaigonBank nhắm đến không chỉ là việc mở rộng, phát triển ngân hàng này từ một nền tảng tốt, mà còn vì khối bất động sản, trong đó có những vị trí “vàng”.
Cổ đông chi phối của SaigonBank hiện nay hoàn toàn có thể bán đấu giá một số tài sản, hạch toán lợi nhuận và sử dụng lợi nhuận đó để tăng vốn ngân hàng qua chia thưởng cổ phiếu. Hoặc cũng có thể phân phối lợi nhuận cho cổ đông bằng cách chia cổ tức tiền mặt. Cách gì thì cổ đông nhà nước cũng được hưởng lợi.
Dẫu thế vấn đề bán tài sản của SaigonBank đã không được đặt ra. Một trong những lý do mà giới quan sát tài chính phỏng đoán là các tài sản của SaigonBank về bản chất là tài sản công. Thủ tục đấu giá tài sản công rất phức tạp, nhất là khâu thẩm định giá trị. Lấy thí dụ khách sạn Riverside nằm trên đường Tôn Đức Thắng. Đây là khách sạn cổ nhất Sài Gòn, được xây dựng trước cả khách sạn Continental. Nó nằm sát tòa nhà trụ sở Seaprodex góc Đồng Khởi - Tôn Đức Thắng. Nếu doanh nghiệp nào mua được tòa nhà Seaprodex và khách sạn Riverside, sẽ có trong tay một vị trí đẹp nhất nhì TPHCM với diện tích hàng ngàn mét vuông, nhìn thẳng ra công viên Bạch Đằng và sông Sài Gòn. Ngoài ra khách sạn Riverside còn có dấu ấn lịch sử gắn liền với phát triển hàng hải trong nước vì buổi đầu nó được xây dựng để làm nơi cư ngụ cho các thủy thủ. Định giá một tài sản như thế đâu có dễ!
Trước đây đã có nhiều đối tác trong và ngoài nước muốn thuê khách sạn Riverside để kinh doanh du lịch, nhưng do cơ chế chưa thông thoáng, SaigonBank không thể cho thuê. Việc ngân hàng khai thác khách sạn như một nghề tay trái, nói thực, là chưa hiệu quả.
Tóm lại, người ta mua cổ phiếu SaigonBank không chỉ vì quan tâm đến hoạt động ngân hàng, mà chủ yếu vì... đất! Bởi thế mới có chuyện giá khởi điểm đấu giá SaigonBank mà Vietcombank đưa ra trước đây chỉ tầm 12.500 đồng/cổ phiếu, nhưng giá đấu thành công lên tới 20.400 đồng/cổ phiếu.
Đã có thời SaigonBank dự kiến sáp nhập vào Vietcombank để tiến hành tái cấu trúc. Hai bên đã bàn bạc, thảo luận và thương lượng mức chuyển đổi để sáp nhập là 1 cổ phiếu SaigonBank đổi lấy 0,6 cổ phiếu Vietcombank.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, giải thích với người viết bài này trong một lần gặp gỡ: việc sáp nhập đã không thực hiện được vì tỷ lệ chuyển đổi sẽ làm giảm giá trị phần góp vốn của cổ đông nhà nước ở SaigonBank trên sổ sách, điều mà quy định về bảo toàn vốn nhà nước không cho phép. Còn với tỷ lệ chuyển đổi 1:1 như đề xuất của SaigonBank thì Vietcombank không thể chấp thuận vì nó quá... vô lý.
SaigonBank là ngân hàng cổ phần đầu tiên của Việt Nam được thành lập (đầu tiên tính từ sau năm 1975 - NV) và chuyện “riêng tư” trong quá trình hình thành, phát triển của ngân hàng này còn nhiều. Nhưng đó là nội dung của những bài viết sau vào thời điểm thích hợp.
Hải Lý