Vietstock - Dầu tăng liền 2 phiên trước dấu hiệu sụt giảm nguồn cung
Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng phiên thứ 2 liên tiếp vào ngày thứ Ba (12/03), xóa bớt đà tăng hồi đầu phiên hướng về mức cao nhất trong năm 2019, MarketWatch đưa tin.
Các dấu hiệu sụt giảm nguồn cung tiếp tục diễn ra cùng với đó là việc các nhà đầu tư đã đánh giá dự báo sản lượng và giá hàng tháng mới nhất từ Chính phủ Mỹ, cũng như tiếp nhận các nhận định gần đây từ các quan chức năng lượng.
Giá dầu đã tích tắc sẵn sàng khép phiên tại mức cao nhất kể từ tháng 11/2018, do sự thắt chặt nguồn cung tại Venezuela cùng với các dấu hiệu cho thấy Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng sang nửa cuối năm nay.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4 trên sàn Nymex nhích 8 xu (tương đương 0.1%) lên 56.87 USD/thùng, sau khi dao động tại đỉnh trong phiên là 57.55 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 5 trên sàn Luân Đôn tiến 9 xu (tương đương 0.1%) lên 66.67 USD/thùng, sau khi dao động tại mức cao trong phiên là 67.39 USD/thùng.
Vào ngày thứ Ba, trong báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã hạ dự báo sản lượng dầu thô nội địa trong năm nay và năm tới, đồng thời nâng dự báo giá dầu WTI và giá dầu Brent trong năm 2019.
“Trong tháng này, dự báo sản lượng dầu thô tại Mỹ trong năm 2019 và năm 2020 đã giảm, nhưng cả 2 năm nay vẫn đang hướng đến mức sản lượng kỷ lục mới”, Linda Capuano, Người quản lý EIA, cho biết trong một báo cáo. Vào năm 2020, EIA đã cắt giảm dự báo sản lượng dầu tại Mỹ 1.3% xuống 13.03 triệu thùng/ngày.
“Dự báo tháng 3 còn dự kiến Mỹ sẽ trở thành nhà xuất khẩu ròng dầu thô và các sản phẩm xăng dầu vào năm 2020”, bà Capuano cho hay.
Một báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hôm thứ Hai (11/03) cho biết Mỹ sẽ dẫn đầu tăng trưởng sản lượng của thế giới trong 5 năm tới.
Bên lề hội nghị năng lượng CERAWeek thường niên tại Houston, Mohammad Barkindo, Tổng thư ký OPEC, cho biết vào ngày thứ Ba rằng những dòng tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump về giá dầu là “một trong những bổ sung mới vào danh sách những điều không chắc chắn mà thị trường dầu phải đối mặt”, Financial Times đưa tin.
Bên cạnh đó, sự cố mất điện đã khiến các chuyến hàng chở dầu từ Venezuela bị đình trệ trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và chính trị tại nước này. “Xuất khẩu dầu của Venezuela đang phải chịu sức ép trong mọi tình huống do các lệnh cấm vận của Mỹ đối với công ty dầu mỏ quốc gia PdVSA”, các nhà phân tích tại Commerzbank cho biết.
Số liệu thường niên từ IEA chỉ ra rằng sản lượng dầu thô của Venezuela dự báo giảm từ 1.3 triệu thùng/ngày trong năm 2018 xuống 750,000 thùng/ngày trong năm 2019, khi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nước này vẫn được áp dụng.
Hôm thứ Hai (11/03), dầu đã nhảy vọt sau khi Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út, Khalid al-Falih, nói với Reuters hôm Chủ nhật (10/03) rằng sẽ còn quá sớm để thay đổi thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà OPEC cùng với các đồng minh đã cam kết, trước tháng 6/2019.
Ủy ban Giám sát Bộ trưởng chung (JMMC), với chức năng theo dõi việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm, dự kiến nhóm họp tại Azerbaijan vào ngày 18/03/2019. Cuộc họp tiếp theo của OPEC dự kiến tổ chức vào ngày 17-18/04 tới.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng xăng giao tháng 4 lùi 0.6% xuống 1.816 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 4 mất 0.4% còn 1.986 USD/gallon.
Trong khi đó, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 4 cộng 0.4% lên 2.784 USD/MMBtu.
An Trần