Vietstock - Ngân hàng Nhà nước không cấp phép ví điện tử cho Pay Asian
Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép dịch vụ trung gian thanh toán cho 30 tổ chức không phải ngân hàng, trong đó 27 tổ chức cung ứng có ví điện tử, nhưng không có tổ chức nào có dịch vụ ví điện tử có tên gọi là Pay Asian.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời tại họp báo.
|
Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định như vậy tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều muộn 1/8.
Câu hỏi của báo chí là hiện nay thị trường đang xuất hiện ví điện tử nội bộ để trao đổi, thanh toán cho hệ thống riêng của mình, việc này có được phép không? Câu hỏi nữa dành cho Phó thống đốc liên quan đến những thông tin xoay quanh việc đầu tư tiền điện tử Payer của Công ty Pay Asian thông qua ứng dụng App Pay Asian chưa được cấp phép nhưng đã có giao dịch hàng tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước xử lý thế nào?
Theo trả lời của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, về hoạt động của ví điện tử, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư 39 hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán, quy định rõ về nội dung cũng như quy định đối với việc sử dụng ví điện tử, chỉ được sử dụng vào mục đích thanh toán tiền cho đơn vị chấp nhận thanh toán, hoàn trả tiền cho khách hàng. Không được sử dụng ví điện tử vào mục đích huy động vốn của khách hàng trên tài khoản để đầu tư.
Bà Hồng cũng cho biết, theo báo cáo của các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm hiện tại Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép dịch vụ trung gian thanh toán cho 30 tổ chức không phải ngân hàng, trong đó 27 tổ chức cung ứng có ví điện tử. Trong đó, không có tổ chức nào có dịch vụ ví điện tử có tên gọi là Pay Asian hay là Pay A. Ngân hàng Nhà nước không cấp phép cho công ty này, sắp tới Ngân hàng Nhà nước và cơ quan chức năng sẽ có rà soát cụ thể, bà Hồng thông tin.
Lợi suất trái phiếu doanh nghiệp dao động ở mức 10-12%
Tại cuộc họp báo, bên cạnh lĩnh vực tiền tệ phóng viên cũng đặt câu hỏi về lĩnh vực tài chính: Thủ tướng có chỉ đạo kiểm tra rà soát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, đến thời điểm này đã có kết quả chưa?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, tính đến 24/6/2019, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 10,5% GDP, tăng 19,2% so với cuối 2018.
7 tháng đầu năm 2019 tổng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các công ty đại chúng là 31.000 tỷ đồng, tương đương 63,8% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp của năm 2018, trong đó doanh nghiệp ngành tài chính - ngân hàng chiếm 42%, doanh nghiệp bất động sản chiếm 22%.
Lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp 7 tháng năm 2019 cao hơn so với năm 2018, nguyên nhân do mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng thương mại đều tăng trong năm 2019. Trong đó, lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp ngành bất động sản trong 7 tháng đầu năm 2019 ở mức trên 10% (phổ biến ở mức 12%).
Riêng đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp Công ty Cổ phần Bất động sản Phát Đạt có mức lãi suất khá cao, 12-14,5%, đây là một trong những doanh nghiệp có mức cao nhất.
Việc áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng với ngành bất động sản cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp bất động sản phải huy động vốn trên thị trường với mức lãi suất cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái và so với các ngành khác, bà Mai lý giải.
Vẫn theo thông tin từ Thứ trưởng Mai thì lợi suất trái phiếu doanh nghiệp của ngành xây dựng cũng phổ biến mức 10%. Đối với mức lợi suất như vậy so với lãi suất ngân hàng, thời gian qua, với các ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank (HM:VCB), Vietinbank (HM:CTG), BIDV (HM:BID) dao động trong khoảng từ 6,8-7%. Còn với các ngân hàng nhỏ hơn khoảng 8-8,7%.
Như vậy việc phát hành trái phiếu trong 7 tháng qua dao động ở mức 10-12%. Qua rà soát và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã rà soát đánh giá mức huy động lãi suất như vậy chưa có xu hướng biến động đáng ngại. Bộ Tài chính vẫn phải tiếp tục theo dõi, đánh giá phân tích thường xuyên, nếu có bất thường liên quan đến thị trường tài chính, ảnh hưởng sẽ có giải pháp phù hợp, bà Mai trả lời.
Hà Vũ