Vietstock - Vì sao người dân vẫn gửi tiền ngân hàng bất chấp lãi suất giảm?
Lãi suất huy động giảm nhanh về mức đáy giai đoạn COVID-19 nhưng tiền gửi của dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng vẫn duy trì mức cao, hiện vượt 6,4 triệu tỉ đồng.
Trong tháng 10-2023, các ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, Vietcombank (HM:VCB) đang có mức lãi suất tiền gửi thấp nhất, khi lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ còn 5,1%/năm. Ba ngân hàng còn lại gồm BIDV (HM:BID), VietinBank và Agribank lãi suất cao nhất cho kỳ hạn trên 12 tháng là 5,3%/năm.
Tại nhiều ngân hàng cổ phần, lãi suất gửi tiết kiệm cũng giảm nhanh và nhiều ngân hàng áp dụng biểu lãi suất tương đương với các "ông lớn" ngân hàng.
Chị Bích Hoàng (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết chị đang có khoản tiền gửi 1 tỉ đồng đến kỳ tất toán nhưng chưa biết đầu tư kênh nào. Chị Hoàng đầu tư chứng khoán nhưng giai đoạn vừa rồi biến động mạnh nên khoản này đang thua lỗ. Giá vàng biến động mạnh và vàng SJC cách biệt quá lớn với giá thế giới nên chị không tham gia.
Lãi suất gửi tiết kiệm tiếp tục giảm |
"Bất động sản thì trầm lắng và khoản tiền 1 tỉ đồng cũng rất khó mua được đất nền hay căn hộ ở TP HCM nên tôi vẫn chọn gửi tiết kiệm. Dù vậy, nếu 6 tháng trước khoản tiền gửi tiết kiệm của tôi lãi suất trên 8%/năm, thì thời điểm này chỉ còn khoảng 4,9%/năm" - chị Hoàng nói.
Loay hoay tìm kiếm kênh đầu tư ở thời điểm hiện tại và nhiều người chọn tiếp tục gửi tiết kiệm dù lãi suất giảm sâu.
Chuyên gia tài chính, TS Đinh Thế Hiển, phân tích dù lãi suất thấp nhưng người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng bởi các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản không còn hấp dẫn và nhiều rủi ro.
Do đó, từ giờ đến cuối năm dù lãi suất gửi tiết kiệm tiếp tục giảm, người dân vẫn chọn gửi ngân hàng. Hiện tại, mức lãi suất tiết kiệm vẫn cao hơn lạm phát nên tiền nhà đầu tư vẫn có lợi.
Số liệu cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến tháng 8-2023, số dư tiền gửi của dân cư vào hệ thống tổ chức tín dụng đạt trên 6,43 triệu tỉ đồng, tăng mạnh 9,68% so với cuối năm ngoái. Tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng vượt 6 triệu tỉ đồng, không còn bị âm như những tháng trước mà đã tăng trưởng dương trở lại (+1% so với cuối năm ngoái).
Như vậy, trong tháng 8, người dân có tiền nhàn rỗi đã gửi thêm gần 44.000 tỉ đồng vào hệ thống ngân hàng, bất chấp thời điểm này mặt bằng lãi suất huy động đã giảm nhanh.
Thái Phương, Ảnh: Bình An