Theo VCBS, mức mất giá của VND (HM:VND) so với USD có thể dưới 3% trong năm 2023. Theo báo cáo vĩ mô của Chứng khoán Vietcombank (HM:VCB) (VCBS), các chuyên gia dự báo đồng USD sẽ đi ngang và không còn tăng mạnh như 2022.
Lộ trình tăng lãi suất của các NHTW đang theo sát kỳ vọng thị trường. Trong khi Fed đang tiến gần lãi suất mục tiêu, ECB vẫn phải xoay sở tăng lãi suất để chống lạm phát. Theo đó, nhiều khả năng USD không còn tăng giá mạnh so với các đồng tiền mạnh khác trong 2023.
Thực tế, DXY đã có dấu hiệu tạo đỉnh từ cuối năm 2022.
Tại Việt Nam, đồng VND có dấu hiệu hồi phục, +0,59% ytd, tỷ giá có lúc chạm dưới ngưỡng 23.450 VND/USD. Tại các NHTM, tỷ giá tiếp tục giảm 100 đồng, về mức 23.630-23.650 VND/USD.
Nhờ vậy, NHNN đã đều đặn mua lại thành công ngoại tệ bổ sung cho kho dự trữ quốc gia.
Theo dõi tương quan về điều hành chính sách tiền tệ của các NHTW lớn trên thế giới, chỉ số sức mạnh đồng USD được dự báo đi ngang và không còn tăng mạnh như 2022. Trong điều kiện thuận lợi, thậm chí mức mất giá của VND so với USD có thể dưới 3% trong năm nay.
Trong tháng 1, mặt bằng lãi suất ổn định và không có nhiều biến động. Do mặt bằng lãi suất đã tăng đáng kể trong năm 2022, trở về mức hấp dẫn đáng kể, nhu cầu gửi tiền dự báo sẽ được cải thiện. Tuy vậy vẫn sẽ có sự phân hóa giữa nhóm ngân hàng TMCP Nhà nước và nhóm NHTM vừa và nhỏ.
Ngoài ra, thông tư 26/2022/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 22/2019/TT-NHNN về tỷ lệ an toàn hoạt động ngân hàng đã có hiệu lực từ 31/12/2022 ban hành quy định liên quan đến cách tính tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn ngân hàng (LDR). Cụ thể, tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước trong tổng tiền gửi sẽ được khấu trừ theo lộ trình giảm dần tỷ lệ từ 50% đến 100% từ nay tới 2026.
Theo đó, thông tư có tác động tích cực tới LDR của các ngân hàng đủ tiêu chuẩn đầu thầu tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước. Tuy vậy, mức độ ảnh hưởng là không nhiều nếu tính trên quy mô tổng tiền gửi của nhóm này.