Investing.com -- Tỷ giá USD/VND biến động khá mạnh trong năm 2024 song vẫn được kiểm soát ở mức ít tác động bất lợi nhất với kinh tế vĩ mô và doanh nghiệp. Với đà giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), giới phân tích cho rằng, mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong năm 2025 sẽ ở mức ổn định hơn năm 2024.
Trong năm 2024, tỷ giá USD/VND từng có giai đoạn biến động khá mạnh, có thời điểm đồng USD tăng giá gần 5% so với VNĐ. Diễn biến của tỷ giá chịu tác động đáng kể từ đà tăng giảm của lãi suất và động thái điều hành của Fed.
Giữa tháng 9/2024, Fed đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm % về mức 4,75 - 5%, đánh dấu lần giảm lãi suất lần đầu tiên sau 11 lần tăng liên tục kể từ tháng 3/2022. Fed cũng tuyên bố có thể tiếp tục tiến trình hạ lãi suất trong năm 2024, năm 2025 và năm 2026 để đưa lãi suất điều hành về mức 3 - 3,5% vào cuối năm 2026.
Tiếp đó, ngày 7/11, Fed quyết định tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo đó, lãi suất tham chiếu của Mỹ về 4,5 - 4,75%, tức hạ 0,25 điểm %, bằng một nửa so với đợt điều chỉnh hồi tháng 9.
Tại Việt Nam, lãi suất huy động và cho vay liên tục trong xu thế đi xuống trong những tháng đầu năm và chạm đáy vào cuối tháng 3/2024 khi lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng giảm xuống 4,63%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 2 tháng về vùng thấp lịch sử, chỉ 1,6%/năm.
Theo báo cáo của Chứng khoán Vietcombank (HM:VCB) (VCBS) dẫn dữ liệu tổng hợp từ 27 ngân hàng niêm yết cho biết, lãi suất cho vay trung bình đã giảm khoảng 2,7 điểm % từ mức đỉnh của quý I/2023. Theo đó, lãi suất cho vay trong quý III/2024 đã xác lập mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Việc lãi suất huy động điều chỉnh tăng trở lại từ quý II/2024 sẽ có độ trễ 3 - 6 tháng để phản ánh vào lãi suất cho vay. Do đó, mặt bằng lãi suất cho vay dự kiến tiếp tục đi ngang đến hết năm 2024. Tuy nhiên, năm 2025 dự báo sẽ tăng 0,5 - 0,7 điểm % trong bối cảnh kinh tế hồi phục và nhu cầu tín dụng mạnh mẽ hơn.
Còn theo Ngân hàng Standard Chartered dự báo, đồng USD có thể trải qua giai đoạn suy yếu vào đầu năm 2025. Lý do là việc cắt giảm lãi suất gần đây của Fed được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các loại tiền tệ châu Á, trong đó có VNĐ.
Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan hơn dự kiến đã gia tăng áp lực cho thị trường ngoại hối châu Á. Các yếu tố như sự bất ổn trong chính sách thương mại và các biện pháp có thể gây lạm phát dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể làm giảm tính ổn định của chính sách tiền tệ trong khu vực.
Ngân hàng dự báo năm 2025, đồng USD sẽ tăng vào nửa cuối năm khi các chính sách thuế quan và biện pháp tài khóa dưới nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Donald Trump được làm rõ và triển khai. Về lâu dài, tính bền vững của các biện pháp kích thích vĩ mô sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh của đồng USD. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể chuyển sang các tài sản có khả năng phòng ngừa lạm phát nếu tình trạng bất ổn vẫn tiếp diễn.
Trong bối cảnh trên, ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế khu vực Thái Lan và Việt Nam của Standard Chartered kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý II/2025. Ông Tim Leelahaphan cho rằng, sự kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ từ Chính phủ đang hỗ trợ cho mức lãi suất thấp trong hiện tại.
Lạm phát có thể tăng trở lại bắt đầu từ quý II/2025, nên lãi suất sẽ trở lại bình thường trong quý II. Các động thái của Fed cũng sẽ là yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của NHNN.
“Lãi suất đồng USD thấp hơn có thể hạn chế dòng vốn chảy ra nước ngoài, trong khi thặng dư thương mại bền vững cùng nguồn thu ngoại tệ mạnh mẽ từ ngành du lịch sẽ hỗ trợ đồng VNĐ. Tuy nhiên, dự trữ nhập khẩu thấp vẫn là một thách thức. Việc Fed cắt giảm lãi suất sẽ dẫn đến xu hướng suy yếu của đồng USD trong vài quý tới, dẫn đến tỷ giá quy đổi USD/VND ở mức 25.250 vào cuối năm 2024 và 25.450 vào quý II/2025”, ông Tim Leelahaphan nhấn mạnh.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, dù lãi suất huy động có xu hướng tăng trở lại từ tháng 4/2024, lãi suất cho vay có thời điểm nhích lên song vẫn ghi nhận mức giảm 1 điểm % so với đầu năm. Đây là diễn biến tích cực trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi.
Về tỷ giá, theo ông Lực, từ đầu năm tới nay, VNĐ đã mất giá hơn 4% so với USD song chưa đến mức đáng ngại. “Chỉ số đồng USD đã tăng khoảng 4,8% từ đầu năm tới nay, do người Mỹ tin rằng tân Tổng thống sẽ có nhiều chính sách để kích cầu đầu tư, tiêu dùng quay trở lại Mỹ. Khi ông Donald Trump được dự báo làm Tổng thống, thị trường lo ngại lạm phát tăng thì Mỹ sẽ trì hoãn tăng lãi suất, chênh lệch lãi suất USD và VNĐ tạo sức ép lớn. Trong tháng 10 và 11 vừa qua, VNĐ đã mất giá khá nhiều so với USD và chỉ bắt đầu chững lại gần đây”, ông Lực nói.
Cũng theo ông Lực, cả năm 2024, VND (HM:VND) dự báo mất giá từ 3,5 - 4% và năm sau sẽ giảm nhẹ hơn, khoảng 2,5 - 3%. “Lộ trình cắt giảm lãi suất sẽ tiếp tục giúp tỷ giá bớt áp lực”, ông Lực nói.