Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tác động thế nào đến ngân hàng? Ngày 18/1, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Các Tổ chức tín dụng (Luật các TCTD) sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, ngoại trừ một số điều khoản sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.
Theo đó, những vấn đề liên quan đến sở hữu chéo, chi phối TCTD; hoạt động kinh doanh đại lý bảo hiểm; can thiệp sớm các TCTD yếu kém và xử lý tài sản đảm bảo sẽ có tác động nhiều nhất đến hoạt động của các ngân hàng niêm yết.
Nhìn chung, Chứng khoán Vietcap (VCSC (HM:VCI)) tin rằng những thay đổi này sẽ giúp thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, hiện tại VCSC không nhận thấy tác động tức thời đáng kể đối với ngành và/hoặc các ngân hàng trong danh mục theo dõi, dù cần chờ xem xét đầy đủ hơn sau khi văn bản cuối cùng của Luật mới được ban hành.
Đồng quan điểm, Chứng khoán MBS (HN:MBS) cho rằng Luật các TCTD (sửa đổi) có ý nghĩa lớn trong việc quản lý và điều hành hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, minh bạch và tiệm cận với các quy định quốc tế.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, những nội dung của Luật sẽ có tác động nhất định đến hoạt động của các NHTMCP niêm yết.
Cụ thể, với quy định sở hữu chéo, thao túng, chi phối TCTD (hiệu lực từ 1/7/2024): Sẽ hạn chế tình trạng sở hữu chéo và giúp nhận biết các rủi ro lớn từ các doanh nghiệp sân sau như trường hợp của SCB và Vạn Thịnh Phát. Bởi theo thống kê của MBS, hiện tại có 7 ngân hàng niêm yết có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 10% vốn điều lệ (đã loại trừ các TCTD có cổ đông chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài).
Với quy định hoạt động đại lý bảo hiểm (hiệu lực từ 1/7/2024): Hoạt động banca sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, điều này sẽ khiến tốc độ tăng trưởng thu nhập từ banca của các ngân hàng chậm lại so với giai đoạn 2019-2021. Đặc biệt, nhóm các NHTMCP có tỷ trọng thu nhập banca trong tổng thu nhập ngoài lãi cao như VIB (HM:VIB), ACB (HM:ACB),...
Quy định can thiệp sớm các TCTD yếu kém (hiệu lực từ 1/7/2024): Không ảnh hưởng nhiều đến các ngân hàng niêm yết trên sàn hiện tại. Tuy nhiên, điều này sẽ giúp các cơ quan quản lý và công chúng sớm nhận ra các rủi ro lớn thông qua báo cáo tài chính được công bố của các TCTD.
Quy định xử lý tài sản đảm bảo (hiệu lực từ 1/1/2025): Giúp các ngân hàng có thêm phương án xử lý các dự án lớn với 1 phần nhỏ trong đó bị vướng pháp lý, từ đó giúp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản được khơi thông và giảm nợ xấu cho các ngân hàng, đặc biệt nhóm ngân hàng niêm yết có tỷ lệ cho vay bất động sản cao.
>> Thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), thêm quy định ngăn sở hữu chéo