Vietstock - Thị trường bia tươi sắc trở lại
Sau 2 năm chịu nhiều tác động của dịch Covid-19, ngành bia đã ghi nhận tăng trưởng trở lại trong nửa đầu năm nay, đặc biệt là quý II với lợi nhuận các doanh nghiệp tăng vọt.
|
Thị trường bia Việt Nam nhiều năm trở lại đây đã được thống trị bởi nhóm 4 hãng lớn, bao gồm Sabeco (HM:SAB), Heineken, Carlsberg và Habeco (HM:BHN). Trong đó, từng hãng lại hoạt động mạnh theo các vùng miền khác nhau.
Cụ thể, Sabeco có thị trường chủ lực ở phía Nam, Habeco tập trung ở thị trường phía Bắc và Carlsberg chiếm ưu thế ở thị trường miền Trung do nhà máy sản xuất bia của công ty nằm tại Thừa Thiên Huế. Trong khi đó, Heineken, ban đầu chiếm ưu thế ở thị trường miền Nam với phân khúc cao cấp và cận cao cấp, nhưng hiện nay đã mở rộng mạng lưới phân phối đến tất cả tỉnh thành, tập trung ở các thành phố lớn.
Theo ước tính, 4 nhà sản xuất kể trên hiện chiếm tới 94,4% thị phần tiêu thụ bia trong nước.
Thị trường đang phục hồi
Với độ phủ lớn và đặc thù ngành, ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) nói chung và lĩnh vực bia nói riêng rất nhạy cảm với những tác động mang tính diện rộng như dịch bệnh Covid-19.
Năm 2020, thị trường này đã chịu tác động kép từ quy định phòng chống tác hại của rượu bia theo Nghị định 100/2019 (có hiệu lực từ 1/1/2020) và dịch Covid-19. Cùng với các mặt hàng trong ngành F&B, nhu cầu tiêu thụ bia đã bị ảnh hưởng tiêu cực với sản lượng tiêu thụ 3 quý đầu năm giảm lần lượt 3,6%; 22,9% và 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đến năm 2021, tính riêng quý III, Tổng cục Thống kê cho biết tổng lượng sản xuất bia đã giảm 33% so với cùng kỳ, với gần 100% lượng bia bị hạn chế phân phối trong tháng 8-9 tại TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh phía Nam. Trong khi đó, Nielsen ước tính nhu cầu tiêu thụ bia đã giảm 42% trong quý này so với cùng kỳ.
Phải đến quý IV/2021, khi dịch bệnh cơ bản được khống chế và các hoạt động tiêu dùng trong nước dần được khôi phục, ngành bia mới ghi nhận tăng trưởng dương trở lại.
Theo cơ quan thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 năm nay ước đạt 486.000 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 42,6% so với cùng kỳ năm 2021. Quy mô và tốc độ tăng trưởng này thậm chí đã cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Tính chung 7 tháng từ đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3,205 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, sản lượng bia trong nước lũy kế 5 tháng đầu năm đã đạt 2,03 tỷ lít, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019 trước dịch.
Với xu hướng kể trên, hàng loạt doanh nghiệp trong ngành này đã ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng cao trong nửa đầu năm nay. Thậm chí, kết quả kinh doanh của nhiều nhà sản xuất bia đã tăng vượt cả giai đoạn trước dịch.
Doanh nghiệp bia lãi đậm
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II cho biết Sabeco đã ghi nhận quý có kết quả doanh thu cao nhất kể từ năm 2020 đến nay.
Cụ thể, trong quý gần nhất, Sabeco ghi nhận 9.008 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước và tăng 23% so với quý liền trước. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đây là mức doanh thu cao nhất mà nhà sản xuất bia này ghi nhận được trong một quý.
Không chỉ tăng mạnh ở chỉ tiêu doanh thu, Sabeco còn ghi nhận biên lãi gộp cải thiện đáng kể với mức 34,3%, cao hơn nhiều so với mức 31,3% cùng kỳ năm trước và 29,8% quý I. Đây cũng là biên lãi gộp cao nhất mà Sabeco ghi nhận được kể từ năm 2015 đến nay.
Sau khi trừ các chi phí phát sinh trong kỳ, Sabeco ghi nhận lãi ròng 1.793 tỷ đồng quý II, tăng 67%. Đây là quý tăng trưởng lợi nhuận thứ 4 liên tiếp của hãng và là mức lãi cao nhất công ty ghi nhận được trong một quý kinh doanh.
Theo Sabeco, bên cạnh đà phục hồi hậu Covid-19, lợi nhuận công ty tăng trưởng còn đến từ chính sách tăng khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, cũng như các biện pháp giảm chi phí, hạn chế ảnh hưởng của giá đầu vào.
Lũy kế nửa đầu năm nay, nhà sản xuất này ghi nhận 16.315 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 25% và lợi nhuận sau thuế đạt 3.029 tỷ, tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ.So với kế hoạch doanh thu 34.791 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.581 tỷ đặt ra từ đầu năm, Sabeco đã hoàn thành 47,2% chỉ tiêu doanh thu và hơn 66% mục tiêu lợi nhuận.
Không riêng Sabeco, hàng loạt doanh nghiệp bia trên thị trường cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong quý II và nửa đầu năm nay.
Trong đó, Bia Sài Gòn - Miền Trung (SMB) ghi nhận doanh thu bán niên tăng 15% và lợi nhuận tăng hơn 40% so với cùng kỳ. Tính riêng quý II, doanh thu hãng này đã tăng 24% và lợi nhuận tăng 47%.
Bia Sài Gòn - Hà Nội (BSH) nửa đầu năm ghi nhận doanh thu tăng 9%, lợi nhuận tăng 97%; Bia Hà Nội - Hải Dương (HAD) ghi nhận doanh thu bán niên tăng 29% và lợi nhuận tăng tới hơn 16 lần.
Tương tự, các hãng Bia Hà Nội - Thanh Hóa (THB); Bia Hà Nội - Habeco (BHN)… đều ghi nhận doanh thu và lợi nhuận bán niên 2022 tăng trưởng dương so với cùng kỳ.
Lý do được hầu hết doanh nghiệp đưa ra để giải thích cho kết quả kinh doanh tăng trưởng kể trên là tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát giúp hoạt động bán hàng đã trở về bình thường.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã chủ động nắm bắt cơ hội, thực hiện các chính sách bán hàng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn cao điểm hè, từ đó giúp tổng doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng cao.
Còn tăng mạnh trong nửa cuối năm
Sau nửa đầu năm tích cực, thị trường bia trong nước được dự báo tiếp tục tăng trưởng cao hơn trong nửa cuối năm.
Các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán MBS (HN:MBS) cho rằng hoạt động du lịch và giải trí mở cửa sau quãng thời gian dài giãn cách xã hội từ đầu năm nay đã và đang đem lại sự hồi phục và tăng trưởng tích cực cho ngành bia Việt Nam.
Công ty Chứng khoán SSI (HM:SSI) đánh giá trong nửa cuối năm, ngành F&B là một lựa chọn đầu tư trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Nhu cầu sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong nửa cuối năm nay và bình thường hóa từ năm 2023.
Ngoài ra, giá các nguyên vật liệu đầu vào chính có xu hướng giảm trong các quý tới giúp tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp ngành này có cơ hội tăng lên hoặc duy trì khả năng phục hồi vào năm 2023.
Ngành bia được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn trong nửa cuối năm khi các hoạt động vui chơi, giải trí trở lại bình thường. Ảnh: Phạm Thắng. |
Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) đánh giá F&B là ngành hưởng lợi từ nhu cầu hồi phục hậu Covid-19. Vì vậy, ngành này có thể đạt tăng trưởng cao về kết quả kinh doanh trong nửa sau năm 2022, trong đó đại diện tiêu biểu là Sabeco.
Theo Agriseco, sự phục hồi về nhu cầu tiêu thụ thị trường bia sau 2 năm giãn cách và áp dụng Nghị định 100/2019, kết hợp với các chiến lược marketing sẽ giúp Sabeco sớm tăng thị phần trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, với việc thị phần bia đang bị bám đuổi sát sao bởi Heiniken trong các năm gần đây, Sabeco đã tiến hành phát triển các sản phẩm theo hướng trẻ trung và năng động hơn, tham gia tài trợ cho nhiều sự kiện và tổ chức để tiếp cận thêm với nhiều khách hàng mới, đặc biệt là giới trẻ. Do đó, Sabeco có thể gia tăng sản lượng tiêu thụ kể từ năm nay so với mức nền thấp của 2 năm trước.
Ngoài ra, một yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng của Sabeco là giá bán bia tại Việt Nam đang trong đà tăng, việc đứt gãy chuỗi cung ứng khiến giá nguyên vật liệu (lúa mạch, vỏ lon nhôm/chai thủy tinh...) và chi phí vận chuyển tăng lên, dẫn tới giá bia kể từ quý II đã tăng 15-30%.
Dù vậy, Sabeco đã đáp ứng đủ nguyên vật liệu cho năm 2022 và đang trong quá trình chuẩn bị cho năm 2023.
Bên cạnh đó, công nghệ chuyển đổi số "SABECO 4.0" được áp dụng từ cuối năm 2020 đã đem lại những kết quả tích cực khi giảm đáng kể tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý trên tổng doanh thu những quý vừa qua.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, sản lượng bia trong nước lũy kế 5 tháng đầu năm đã đạt 2,03 tỷ lít, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019 trước dịch.
Quang Thắng