Vietstock - Quản lý tài sản ảo để tránh thất thu hàng tỷ USD từ kinh tế ngầm
Chỉ trong 1 năm, dòng tiền đổ vào tài sản ảo tại Việt Nam đạt khoảng 120 tỷ USD, nhưng số tiền này chưa thể kiểm soát, dẫn đến thất thu thuế.
Đừng hiểu nhầm tiền điện tử là tiền mã hóa
Ngày 15/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Trong đó, có quy định về tiền điện tử, ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tiền mã hóa ứng dụng công nghệ Blockchain đang được nhiều người quan tâm, quy định về tiền điện tử đang gây ra nhiều sự nhầm lẫn giữa những khái niệm tiền điện tử, tiền mã hóa, tiền ảo, tiền kỹ thuật số.
Mới đây, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã đưa ra một số lý giải nhằm làm rõ sự khác nhau giữa các khái niệm này.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trung cho biết, để hiểu sự giống và khác nhau giữa những định nghĩa kể trên, cần hiểu rõ khái niệm “tiền” trong quan điểm của pháp luật Việt Nam.
Theo luật pháp hiện hành, khái niệm “tiền” được quy định là phương tiện thanh toán hợp pháp, đồng thời là cơ sở để xác định giá trị giao dịch, nghĩa vụ thuế và được sử dụng trong các biện pháp kiểm soát tài chính, phòng chống rửa tiền. Các khái niệm này được thể hiện qua Bộ Luật Dân sự 2015, Luật Phòng chống rửa tiền 2022, Luật Quản lý Thuế, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật các tổ chức tín dụng,...
Việc trao đổi, mua bán các đồng tiền mã hóa đang diễn ra phổ biến. Tuy nhiên tiền mã hóa không phải tiền điện tử và chưa được quy định trong các văn bản pháp luật. Ảnh: Trọng Đạt |
Nghị định 52/2024/NĐ-CP của Chính phủ là một văn bản dưới Luật nhằm quy định cụ thể hóa về các hoạt động thanh toán tiền mà không dùng tiền mặt, nên cũng sẽ tuân theo các định nghĩa và chức năng đã được quy định ở các văn bản luật kể trên.
Cụ thể, Nghị định 52 định nghĩa “tiền điện tử là giá trị tiền Việt Nam đồng lưu trữ trên các phương tiện điện tử được cung ứng trên cơ sở đối ứng với số tiền được khách hàng trả trước cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử”.
Về bản chất, tiền ảo (virtual money) sẽ bao trùm cả tiền mã hóa (crypto) và tiền số (digital money). Tuy nhiên, những so sánh trên chỉ là học thuật tương đối. Tiền ảo dưới góc nhìn của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) sẽ được gọi là tài sản ảo. Ở góc độ chuẩn mực kế toán, nó được gọi là tài sản số. Trong khi, nếu nhìn từ góc độ của người làm fintech (công nghệ tài chính), tiền ảo sẽ được gọi là tiền mã hóa.
Khái niệm “tiền” ở các góc độ khác sẽ không được đề cập hay nói cách khác là chưa được công nhận ở Việt Nam. Ở góc nhìn về phương tiện thanh toán, Chính phủ cấm sử dụng các phương tiện thanh toán như Bitcoin hay tiền mã hóa và có những chế tài cụ thể để xử phạt các hành vi này.
“Do thói quen sử dụng, khá nhiều người đã hiểu nhầm “tiền điện tử” vừa được công bố trong Nghị định 52 này với tiền mã hóa, tiền ảo, tiền kỹ thuật số. Điều này là hoàn toàn nhầm lẫn”, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhận định.
Vụ trụ ảo (metaverse) - khái niệm mới phát sinh trong nền kinh tế số, cùng với tài sản ảo. Ảnh: Trọng Đạt |
Việt Nam nên sớm có định nghĩa rõ ràng về tài sản ảo
Theo số liệu từ Chainalysis do Bộ Tư pháp Mỹ công bố, từ tháng 7/2022 đến tháng 7/2023, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 120 tỷ USD tiền mã hóa. Do thiếu hành lang pháp lý quản lý tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo, số tiền này chưa được kiểm soát tốt, dẫn đến thất thu thuế và nhiều vấn đề khác như phòng chống rửa tiền và bảo vệ người dùng.
Trước câu hỏi về vấn đề trên, ông Phan Đức Trung cho rằng, việc thiếu chính sách về tài sản ảo có thể kéo theo những hệ quả tiêu cực, như việc Việt Nam bị liệt vào Danh sách giám sát tăng cường (Danh sách Xám) của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn có thể gây tổn hại đến nền kinh tế trong nước, bao gồm giảm sút đầu tư nước ngoài và sự bất ổn trong hệ thống tài chính.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nếu Việt Nam có chính sách quản lý chặt chẽ và phù hợp, dòng tiền sẽ không đi vào nền kinh tế ngầm mà thay vào đó, nó có thể trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế.
“Các chính sách quản lý có thể bắt đầu từ việc định nghĩa và luật hóa các định nghĩa cơ bản về tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo”, ông Trung nói.
Trọng Đạt