Investing.com -- Thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng lên trong tháng 11/2024, cho thấy mức tăng nhập khẩu lớn nhất kể từ tháng 3/2022.
Dữ liệu của Bộ Thương mại công bố ngày 7/1, thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ đã tăng 6,2% so với tháng trước, lên 78,2 tỷ USD. Con số này phù hợp với dự báo trung bình của các nhà kinh tế trong một cuộc khảo sát của Bloomberg.
Giá trị hàng hóa nhập khẩu đã tăng 3,4% so với tháng trước, lên 351,6 tỷ USD. Xuất khẩu cũng tăng 2,7%. Các số liệu này chưa được điều chỉnh theo lạm phát.
Còn theo số liệu mới nhất do cơ quan thống kê Mỹ đưa ra hôm 7/1, Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ lượng hàng hóa trị giá hơn 124,8 tỷ USD trong khi chỉ nhập khẩu lượng hàng trị giá gần 10,9 tỷ USD từ Mỹ tính đến hết tháng 11/2024.
Theo thống kê của US Census Bureau, mức thâm hụt thương mại vượt hơn 113 tỷ USD là mức cao nhất trong 11 tháng của một năm so với bất kỳ năm nào trước đây kể từ khi Việt Nam và Mỹ bắt đầu giao thương vào năm 1992.
Mức thâm hụt này chỉ thấp hơn so với hơn mức 116 tỷ USD mà Việt Nam đạt thặng dư thương mại với Mỹ trong cả năm 2022.
Số liệu của Mỹ cho thấy mức thâm hụt của 11 tháng đầu năm 2024 tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước đó. Với đà tăng trưởng xuất hàng sang Mỹ, vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, dự kiến mức thâm hụt thương mại cho cả năm 2024 sẽ đạt mức kỷ lục mới.
Hoạt động nhập khẩu tăng diễn ra trên diện rộng, bao gồm các mặt hàng tiêu dùng, thiết bị sản xuất và xe cộ. Điều này có thể cho thấy xu hướng của các công ty Mỹ muốn đảm bảo hàng hóa được giao trước khi có khả năng áp thuế quan.
Hơn nữa, nhiều công ty cũng hy vọng giảm thiểu sự gián đoạn từ một cuộc đình công tiềm ẩn của công nhân bến cảng, với thời hạn đạt được thỏa thuận vào giữa tháng 1/2025.
Những số liệu trên được đưa ra sau khi nhu cầu nhập khẩu hàng hóa nước ngoài giảm trong tháng 10/2024, khi các công ty đã nỗ lực tăng cường dự trữ hàng hóa trước mùa mua sắm lễ hội cuối năm.
Thương mại hàng hóa và dịch vụ trong quý III/2024 đã làm giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), và các số liệu xuất khẩu ròng mới nhất cho thấy một tác động tương tự có thể xảy ra trong quý cuối cùng của năm 2024.
Các nhà sản xuất Mỹ, cũng như những nhà cung cấp dịch vụ, vẫn đang gặp khó khăn do tình hình khó khăn ở các thị trường và đồng USD biến động không thuận lợi, những yếu tố có nguy cơ khiến thâm hụt thương mại vẫn ở mức cao trong năm nay.
Trên cơ sở điều chỉnh theo lạm phát, thâm hụt thương mại hàng hóa đã tăng lên 96,5 tỷ USD trong tháng 11/2024.