Vietstock - Nguyên nhân nào khiến dệt may Việt Nam gặp khó?
Sau những bước phục hồi tăng trưởng ấn tượng, bước sang năm 2023, ngành dệt may kỳ vọng xuất khẩu có thể thu về 48 tỷ USD. Tuy nhiên, mục tiêu này đang gặp nhiều thách thức, do tình hình kinh tế thế giới vẫn bất ổn.
Ngoài ra, Việt Nam còn phải cạnh tranh gay gắt với các cường quốc dệt may khác như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ… Nhận diện đúng khó khăn sẽ góp phần giúp doanh nghiệp dệt may vượt qua được thách thức.
Khó chồng khó
Sau những bước phục hồi tăng trưởng ấn tượng, bước sang năm 2023, ngành dệt may kỳ vọng xuất khẩu có thể thu về 48 tỷ USD. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
|
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, năm 2022 với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 44,4 tỷ USD, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu dệt may lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh và tốc độ tăng trưởng đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Bangladesh. Đáng lưu ý, 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của toàn ngành và của nhiều doanh nghiệp đã vượt kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, từ nửa cuối năm ngoái, đặc biệt là quý I năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam bị giảm 18,9% so với cùng kỳ. “Đây là kết quả rất thấp so với các quý hơn một chục năm trở lại đây”, ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh.
Ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (HN:VGT) (Vinatex) cho biết, kim ngạch xuất khẩu dệt may tháng 12/2022 toàn ngành giảm 22,1% so với cùng kỳ. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Quý I/2023, chỉ số sản xuất và tiêu thụ đều giảm. Chỉ số sản xuất dệt sợi giảm 6,5%, trang phục giảm 7,7%. Chỉ số tiêu thụ dệt sợi giảm 21,2%, trang phục giảm 8,4%.
Các quốc gia xuất khẩu dệt may cạnh tranh với Việt Nam trong quý I/2023 cũng suy giảm đáng kể. Trung Quốc tháng 2 giảm 18,5%. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023 giảm 18,6%. Banglades mặc dù vẫn giữ được đà tăng, nhưng không duy trì được con số xuất khẩu trên 4 tỷ USD/tháng của năm ngoái. Ấn Độ tháng 1 đi ngang, ngắt được mạch giảm của 6 tháng trước đó nhưng tháng 2 lại quay đầu giảm. Pakistan và Campuchia trong tháng 2 giảm 28% và 23,1%.
Các thị trường nhập khẩu lớn hàng dệt may Việt Nam cũng suy giảm. Thị trường Hoa Kỳ, tháng 2/2023 nhập khẩu tiếp tục suy giảm tháng thứ tư liên tiếp, giảm 8% so với cùng kỳ. EU tháng 1/2023 giảm 25%; Nhật Bản giảm 17%; Trung Quốc giảm 54% so với cùng kỳ. Thị trường tháng 3 tiếp tục kém tích cực. Sự kiện đổ vỡ các ngân hàng nhỏ ở Hoa Kỳ và ngân hàng Credit Suise của Thụy Sỹ trong tháng 3 chưa được các tổ chức kinh tế hay chính phủ các nước này cảnh báo. Khái niệm “Too big to fail” (quá lớn để có thể sụp đổ) đã không còn đúng. Hậu quả chưa thể đánh giá được tác động tiếp theo.
Trong khi đó, tồn kho của các nhãn hàng lớn vẫn ở mức cao. Doanh thu tăng nhẹ nhưng lợi nhuận giảm sâu. Tồn kho của Nike (NYSE:NKE) đến hết quý I/2023 tăng 16% so với cùng kỳ. Doanh thu thuần tăng 14% nhưng lợi nhuận ròng giảm 11% so với cùng kỳ.
Adidas (ETR:ADSGN) tính đến hết tháng 12/2022, tồn kho tăng 49%. Lợi nhuận ròng năm 2022 giảm 83% so với năm 2021. Inditex tồn kho tăng 4,9% tính đến hết tháng 1/2023. H&M, quý I/2023 tồn kho tăng 4% so với cùng kỳ. Hanes tồn kho năm 2022 tăng 24,9% so với năm ngoái. Doanh thu thuần giảm 8,3%. Lợi nhuận ròng âm 127 triệu USD trong khi năm trước dương 77 triệu USD.
Chuyên gia kinh tế - Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền đã chỉ ra một diễn biến khác rằng Việt Nam bị ảnh hưởng bởi biến động của nền kinh tế toàn cầu nhưng biểu đồ tăng trưởng có phần lệch pha với thế giới. Cụ thể, năm 2020 thế giới suy giảm 3,6%, Việt Nam tăng trưởng 2,9%. Năm 2021, thế giới tăng lên 5,6%, Việt Nam cũng tăng nhưng không bằng năm 2020, chỉ đạt 2,58%. Năm 2022, thế giới giảm về 2,9%, Việt Nam lại tăng lên 8%.
Nhận diện nguyên nhân
Theo ông Huỳnh Thanh Điền, dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu dệt may. Do vậy, khi nền kinh tế thế giới có vấn đề, dệt may Việt Nam bị ảnh hưởng sâu là tất yếu.
Cụ thể, trong 3 năm gần đây, kinh tế thế giới có nhiều biến động “vô tiền khoáng hậu”. Năm 2020, dịch COVID-19 lan rộng khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm 3,6%. Để khôi phục kinh tế nhanh, các nền kinh tế lớn đã tung ra các gói kích thích lớn vào cuối năm. Nên năm 2021, kinh tế thế giới phục hồi nhanh, đạt tốc độ tăng trưởng 5,6%.
Tuy nhiên, những nước tung các gói kích thích kinh tế lớn, sau đó đều gánh hậu quả. Hoa Kỳ, EU và một số nước đã bơm tiền ra quá mức trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn đã dẫn đến lạm phát. Cùng với đó, xung đột Nga – Ukraine càng làm cho lạm phát khó kiềm chế. Năng lượng khủng hoảng cục bộ, khiến kinh tế thế giới năm 2022 chỉ tăng trưởng 2,9%.
Lý giải đối với tình hình Việt Nam, ông Huỳnh Thanh Điền cho rằng, kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 phần nào do hiệu ứng xuất phát điểm thấp. Khi dịch COVID-19 bùng phát, các đơn hàng trong quý III/2021 được chuyển sang năm 2022. Năm 2022, mặc dù kinh tế thế giới khó khăn nhưng đối tác vẫn tiếp tục nhận hàng. Nên trong 3 quý đầu năm, Việt Nam tăng trưởng cao, nhưng khi lạm phát của các nước tăng cao, người dân giảm chi tiêu, doanh nghiệp giảm đầu tư thì hàng tồn kho lớn. Nên kể từ quý IV/2022 mọi thứ chững lại do không có đơn hàng.
Trong khi đó, chính sách tài khóa của Chính phủ lại chưa đạt được mục tiêu bội chi ngân sách, chưa tăng được giải ngân đầu tư công nên chưa thể hỗ trợ hiệu quả cho khu vực sản xuất.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vương Đức Anh lý giải, sự kiện xung đột Nga – Ukraine đã đẩy giá dầu, giá lương thực lên cao, khiến lạm phát tại Mỹ, EU - hai thị trường lớn của hàng dệt may Việt Nam tăng lên ngưỡng cao trong vòng 40 năm qua. Châu Âu lạm phát tăng lên ngưỡng 10%, còn tại Hoa Kỳ là 8% buộc các ngân hàng trung ương các quốc gia này phải tăng lãi suất. Mọi việc diễn ra quá nhanh và được xem là những cơn gió ngược bất lợi đối với ngành dệt may Việt Nam.
Trong khi đó, đối thủ Bangladesh của Việt Nam hiện đang có nhiều lợi thế. Bên cạnh chi phí lao động chỉ bằng một nửa Việt Nam. Thuế nhập vào châu Âu chỉ 0%, trong khi Việt Nam phải đáp ứng quy tắc từ vải trở đi mới được thuế suất 0%, nếu không phải chịu thuế suất 9,6% GSP. Thời gian qua, Bangladesh đã thay đổi nhanh chóng bộ mặt ngành dệt may theo hướng xanh hóa. Hơn nữa, có tới 9 trong 10 nhà máy hiện đại của thế giới hiện đang nằm ở Bangladesh và có khoảng 188 nhà máy của Bangladesh đã đạt chứng chỉ Leed Platinium của Hoa Kỳ.
“Và câu chuyện xanh hóa của Bangladesh có thể là một trong các lý do khiến các đơn hàng đang chảy về đó. Thị phần miếng bánh tổng cầu giảm, nhưng đối thủ cạnh tranh lại tăng lên”, ông Vương Đức Anh nói.
Tình hình có sáng sủa?
Ông Vương Đức Anh cho rằng, với việc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) tuyên bố rất rõ mục tiêu kéo lạm phát về mức 2%, trong khi lạm phát ở nước này tháng 2 vẫn ở ngưỡng 6%. Con đường từ 6 xuống 2% còn rất xa. Ngoài ra, Hoa Kỳ và EU sẽ tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ; tốc độ tăng có thể chậm lại nhưng vẫn duy trì ở mức cao nên sức tiêu dùng không thể tăng trở lại ngay.
Trong khi đó, tồn kho của các nhãn hàng lớn vẫn chưa được cải thiện. Các nhãn hàng cần phải có thêm thời gian 3-4 tháng để giảm lượng tồn kho từ ngưỡng cao xuống ngưỡng trung bình.
Cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, khiến giá vàng, giá dầu vẫn bất ổn. Đặc biệt, sau khi Phần Lan được kết nạp vào NATO, giá vàng lập tức nhảy vọt từ 980 USD lên 2.020 USD/ounce, gần bằng đỉnh lịch sử 2.070 USD/ounce khi xung đột nổ ra. Đó là những tình huống không ai có thể dự báo được. Những thách thức kinh tế vĩ mô và căng thẳng địa chính trị sẽ tiếp tục làm giảm tâm lí người tiêu dùng.
Thực tế, doanh thu bán lẻ hàng may mặc ở Hoa Kỳ suy giảm trong 3 tháng đầu năm và chưa thấy dấu hiệu phục hồi trong các tháng tiếp theo. Và tới đây, nếu tình hình vẫn khó khăn, chắc chắn có nhiều doanh nghiệp may mặc quy mô lao động lớn sẽ buộc phải cắt giảm lao động.
Dự báo thị trường bông, xơ, sợi quý II, bà Thái Thị Phương Thanh – Phó Trưởng ban Tổng hợp Pháp chế Vinatex cho biết, giá bông có thể tăng nhẹ, dao động ở mức 2,1 – 2,4 USD/kg. Giá xơ có thể duy trì giá hiện tại hoặc tăng nhẹ theo giá dầu và giá bông. Các tín hiệu hồi phục của thị trường sợi vẫn chưa rõ ràng. Cầu dệt may vẫn yếu do tồn kho tăng dẫn đến giá sợi chưa có động lực để cải thiện.
Ông Huỳnh Thanh Điền dự báo, Trung Quốc mở cửa lại, dệt may Việt Nam sẽ thuận về đầu vào nhưng sẽ khó về đầu ra vì Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn. “Trước đây, họ đóng cửa, chuỗi cung ứng gặp khó, ai cũng than vãn khó khăn, nhưng ông nào cũng lợi nhuận khủng khiếp. Nay họ mở cửa lại, Việt Nam cần phải coi chừng”, ông Điền nhấn mạnh.
Dự báo kịch bản tăng trưởng tổng cầu dệt may thế giới, ông Vương Đức Anh cho rằng, kịch bản tích cực, kinh tế thế giới tăng trưởng 2,9%, tổng cầu dệt may năm nay sẽ giảm khoảng 5% từ ngưỡng 763 về 716 tỷ USD nhưng với kịch bản xấu, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, tăng trưởng 0,5%, tổng cầu chỉ còn khoảng 680 tỷ USD.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Văn phòng đại diện Vitas tại Tp. Hồ Chí Minh, mặc dù tình hình có khó khăn, nhưng Vitas vẫn mạnh dạn đặt ra mục tiêu đạt được thấp nhất là 45 tỷ USD xuất khẩu và hy vọng nếu kịch bản tốt hơn thì có thể đạt 47-48 tỷ USD.
Lâm Nguyên