Theo Geoffrey Smith
Investing.com - Ý tưởng muộn màng của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden về từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19 có lẽ chỉ là để làm đẹp hình ảnh của ông ta và chính phủ của ông hơn là thực chất và thế giới có lẽ nên biết ơn vì ý tưởng này mới nằm trên giấy.
Cố vấn thương mại của ông, Katharine Tai, tuần trước đã chỉ ra rằng Mỹ sẽ ủng hộ việc từ bỏ 'tạm thời' quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19 trong nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch toàn cầu để bảo vệ mọi người chống lại căn bệnh này.
Đó là một cử chỉ tốt đẹp. Nó đem trở lại hình ảnh của nước Mỹ như một quốc gia siêu cường cao quý và đầy vị tha có khả năng giải quyết tất cả những vấn đề lớn nhất của thế giới: một nhà lãnh đạo thế giới thực sự đặt lợi ích của nhân loại lên trên lợi ích của các công ty dược phẩm.
Nhưng chính quyền Mỹ biết rõ yêu cầu này chỉ là chuyện hão huyền. Đề xuất của Katharine Tai đang được Tổ chức Thương mại Thế giới xem xét, trong trường hợp này cần sự ủng hộ nhất trí của tất cả các thành viên. Cả Liên minh Châu Âu và Vương quốc Anh sau một thời gian lưỡng lự đều cho biết rằng họ không ủng hộ ý tưởng này.
Hơn nữa, ngay cả khi người châu Âu quyết định ủng hộ điều này, những công ty như Moderna và Pfizer vẫn có nhiều khả năng trì hoãn quá trình khi thưa kiện lên các tòa án Mỹ.
Kết quả là, chính quyền Biden đang làm ra vẻ mình là người tốt, và khiến người châu Âu trông xấu tính và khuôn khổ. Trong khi đó, thế giới vẫn tiếp tục đau khổ, chẳng có gì thay đổi.
Không thể phủ nhận nhu cầu đẩy mạnh vắc-xin ra toàn thế giới nhanh hơn. Câu thần chú “không ai được an toàn cho đến khi tất cả chúng ta đều an toàn” là một sự cường điệu, nhưng trong phạm vi số phận của nền kinh tế phát triển gắn chặt với nền kinh tế mới nổi, không thể có sự phục hồi hoàn toàn sau đại dịch trừ khi Các nền kinh tế Ấn Độ, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Đông Nam Á có thể hoạt động bình thường.
Nhu cầu về vắc xin thực sự cấp bách tại Ấn Độ, nơi mà số người chết hàng ngày chính thức lên đến hơn 4.000 người, và con số báo cáo này gần như chắc chắn đang thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Điều này cũng xảy ra tương tự với Nam Phi khi mà các công ty dược phẩm phương tây miễn cưỡng chia sẻ thuốc điều trị HIV/AIDS vào những năm 1990, đã cướp đi sinh mạng của hơn 11 triệu người và tàn phá nhiều người khác.
Tuy nhiên, hai chính phủ trên cũng khó tránh khỏi những cáo buộc thiếu thành thật, họ cần bớt đổ lỗi cho những tai ương hiện tại của quốc gia họ. Một phần nguyên nhân dẫn đến bùng phát đại dịch là do Ấn Độ đã quyết định cho phép các cuộc biểu tình chính trị hàng loạt trong các chiến dịch bầu cử cấp bang năm nay. Ngoài ra một sự thật đáng xấu hổ là Ấn Độ đã thất bại trong việc sử dụng hai thập kỷ tăng trưởng kinh tế chóng mặt để cải thiện hệ thống y tế công cộng của mình: Chi tiêu cho y tế của Ấn Độ đã giảm từ mức 4% GDP vào năm 2000 xuống chỉ còn 3,5% trong cả năm qua trước Covid. Trong thời gian đó, họ đã chi rất nhiều tiền cho vũ khí hạt nhân và cả một chương trình không gian của riêng mình.
Ngay cả khi các vấn đề toàn cầu như cân bằng khoảng cách giàu nghèo được gạt sang một bên, các lập luận ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vẫn không thuyết phục. Rối loạn đông máu do vắc-xin của AstraZeneca và Johnson & Johnson gây ra là một lời nhắc nhở về việc thành công có thể dễ dàng chuyển thành một điều gì đó gần như thảm họa trong thế giới phát triển dược phẩm.
Ngành công nghiệp dược phẩm của Nga đã cho thấy họ không thể sản xuất vắc xin Sputnik theo các tiêu chuẩn nhất quán khi gửi các lô bị lỗi đến Slovakia và các nơi khác. Các báo cáo từ Brazil đến Seychelles cho thấy rằng vắc-xin Sinopharm’s Covid-19 không hiệu quả.
Chế tạo vắc xin rất khó. Việc cho phép các công ty trên toàn thế giới có năng lực sản xuất không đồng đều tạo ra các phiên bản sao chép của các loại thuốc vốn đã được thông qua một cách nhanh chóng trong quá trình phê duyệt ngay từ đầu là một sự rủi ro không thể chấp nhận được.
Và không thể bỏ qua những rủi ro của việc tung ra các loại thuốc sao chép trái phép. Có những nghi ngờ nghiêm trọng về các bước đã bị cắt giảm trong quá trình cấp phép cho vắc xin Covid, và về động cơ của các chính phủ trong quá trình giám sát này. Những nghi ngờ đó đã lan rộng ra ngoài dư luận. Nếu vắc xin Covid-19 xảy ra vấn đề có thể khiến việc chống tiêm chủng vắc xin trở nên phổ biến trong nhiều năm và hợp lý hóa thuyết âm mưu trong các lĩnh vực khác.
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tồn tại vì hai lý do: để đảm bảo rằng các nhà phát minh có thể gặt hái phần thưởng xứng đáng cho công sức của họ và do đó để khuyến khích thế hệ tiếp theo các nhà phát minh; và để đảm bảo rằng công nghệ mới mang lại lợi ích cho xã hội được chuyển giao theo cách không làm mất đi những lợi ích đó. Chi phí khổng lồ của Moderna và BioNTech bỏ ra xứng đáng với siêu lợi nhuận mà họ nhận được hiện nay. Nếu không có tiền thì lấy đâu ra để nuôi sống bộ phận nghiên cứu có chi phí vô cùng đắt đỏ? Không có tiền, chỉ có “cạp đất” mà thôi!