Vietstock - Lối thoát nào cho các doanh nghiệp yếu kém không thể tiếp cận vốn ngân hàng?
Dịch Covid-19 bùng nổ từ đầu năm 2020 đã gây ra tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực trong nền kinh tế. Số lượng doanh nghiệp cần hỗ trợ vốn để duy trì kinh doanh cũng như mở rộng sản xuất ngày càng tăng. Nhưng liệu các gói hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thông qua ngân hàng có đủ hỗ trợ cho doanh nghiệp, và còn giải pháp nào khác để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn nhanh hơn?
Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 37,600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 13.2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn tăng vọt 33.6%.
Trong riêng tháng 4, có 4,121 doanh nghiệp đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 68.1% so với tháng 3 và cao hơn 65.2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 4 cũng ghi nhận 2,166 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 980 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể và 2,864 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
Cũng trong thời gian này, Việt Nam có 7,885 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 93,900 tỷ đồng và số lao động đăng ký 72,000 người, giảm lần lượt 35.7%, 28.6% và 16.4% so với các con số tương đương trong tháng 3. Tuy vậy, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng là 11.9 tỷ đồng, tăng 11.2% so với tháng trước.
Đồng thời cả nước cũng có 3,810 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11.3% so với tháng trước và tăng 40.4% so với cùng kỳ năm 2019. Những con số này cho thấy một bộ phận doanh nghiệp đang chuẩn bị để tái kinh doanh khi dịch Covid-19 phần nào được kiểm soát.
Ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, nhiều chính sách, gói cứu trợ đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp khắc phục khó khăn do Covid-19 như miễn, giảm lãi suất vay vốn, cơ cấu lại nợ, miễn giảm thuế…
Số liệu từ NHNN cũng cho biết thời gian qua các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52,000 khách hàng với số tiền gần 18,000 tỷ đồng; thực hiện miễn, giảm lãi cho gần 6,500 khách hàng với dư nợ gần 126,000 tỷ đồng; cho vay mới 165,208 tỷ đồng với 354,286 khách hàng.
Dư nợ của toàn ngành tập trung chủ yếu ở một số lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo (60,000 tỷ đồng); bán buôn bán lẻ (43,000 tỷ đồng); nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản (16,000 tỷ đồng).
Doanh nghiệp yếu kém khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng
Một số doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn lại cho biết rằng khó tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng.
Phản hồi ý kiến trên, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế cho rằng ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp như giảm lãi suất vay, cơ cấu nợ gắn chặt với trách nhiệm và quyền lợi của ngân hàng. Đương nhiên khi giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp cũng cần phải thực hiện chặt chẽ, nếu làm sai sẽ làm mất lợi nhuận ngân hàng, mất khách hàng, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
TS. Đinh Thế Hiển – Chuyên gia kinh tế lại cho rằng các doanh nghiệp khi vay, nếu có đủ điều kiện vay và phương án vay, khả năng trả nợ tốt, ngân hàng sẽ mạnh dạn cho vay. Tuy nhiên, nếu phương án sử dụng vốn vay không hiệu quả, việc cho vay có thể làm mất vốn, ngân hàng sẽ không sử dụng nguồn vốn Chính phủ để cho vay.
Do đó, “quyết định cho vay không phải dựa trên tỷ lệ thiệt hại do Covid-19 gây ra mà dựa trên phương án vốn vay và khả năng trả nợ có tốt không. Nếu doanh nghiệp không được hỗ trợ cho vay thì gần như họ cũng khó để vay được trong điều kiện bình thường vì tính rủi ro”, TS Hiển chia sẻ thêm.
Không nhận được khoản vay từ ngân hàng thì các doanh nghiệp này chỉ có thể tìm đến những nguồn vay có lãi suất cao hơn, nhưng những nguồn này không dễ cho vay với số tiền lớn. Rất nguy hiểm nếu sử dụng nguồn vay ngắn hạn với lãi suất cao, khó có khả năng trả nợ. Còn nếu tìm nguồn từ nhà đầu tư tham gia thì không dễ dàng, khó có thể tự huy động được trong thời gian ngắn.
Cho nên, chỉ có thể quay về với nguồn vốn ngân hàng là khả thi nhất, khi đó, các doanh nghiệp cần vốn phải tính toán lại chi phí sử dụng vốn, tính toán lại phương thức kinh doanh, để tăng tính khả thi cho phương án trả nợ, thì ngân hàng mới có thể xem xét hỗ trợ cho vay.
Đồng tình quan điểm nhiều doanh nghiệp không thể chứng tỏ được khả năng trả nợ thì ngân hàng khó có thể cho vay được, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế cho biết thêm nguồn vốn từ ngân hàng được quy định và kiểm soát rất chặt chẽ bởi cơ quan quản lý và Luật Tổ chức tín dụng. Do vậy, ngân hàng không thể cho vay dưới chuẩn, doanh nghiệp yếu kém khó thể tiếp cận được nguồn vốn này.
Theo đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất sử dụng cơ chế bảo lãnh tín dụng. Bảo lãnh tín dụng được xem là cơ quan bảo đảm đối với các ngân hàng để cho các doanh nghiệp vay, nếu các doanh nghiệp không trả được nợ thì quỹ đó sẽ bồi thường. Quỹ bảo lãnh tín dụng được sử dụng trên rất nhiều quốc gia, đặc biệt tại Mỹ với tên Small Business Administration (SBA) và ở Việt Nam cũng có cơ quan tương tự gọi là quỹ bảo lãnh tín dụng để bảo lãnh cho các ngân hàng khác. Bên cạnh đó, còn có các quỹ bảo lãnh tín dụng ở địa phương lớn như Đà Nẵng, Huế, Hà Nội, Cần Thơ… nhưng các quỹ bảo lãnh này không làm việc hiệu quả. Hai lý do được TS. Hiếu đưa ra là vì các quỹ ở địa phương vốn chủ yếu do địa phương tài trợ, các thủ tục để bảo lãnh cho doanh nghiệp cũng khó khăn nên nhiều ngân hàng ngần ngại nhận bảo lãnh từ những quỹ này.
Ngoài ra, TS. Nguyễn Trí Hiếu còn đề nghị thành lập quỹ tín dụng quốc gia đặt tại Hà Nội, vốn đến từ ngân sách quốc gia chứ không phải địa phương, và có các chi nhánh đặt tại địa phương, có được như vậy, các quỹ này mới hoạt động hiệu quả, ngân hàng mới tin tưởng để cho vay doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa vả nhỏ. Bởi vậy, nên tái tổ chức lại quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương thành quỹ bảo trợ tín dụng quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Gói hỗ trợ 300,000 tỷ đồng Chính phủ đưa ra để ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, các ngân hàng không thể cho vay bừa bãi, nên họ phải cẩn thận , tránh trở thành nợ xấu gây ảnh hưởng đến ngân hàng. Và cũng không có cơ chế nào để Chính phủ đưa “tiền tươi thóc thật” vào doanh nghiệp nên cần có các quỹ này để Chính phủ hỗ trợ tiền cho doanh nghiệp.
PGS (HN:PGS).TS. Trương Quang Thông – Trưởng Bộ môn Ngân hàng Quốc tế, Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (HM:HCM) cho rằng do nguồn lực hữu hạn, Chính phủ và NHNN cần tập trung sự hỗ trợ vào các ngân hàng hàng đầu và các doanh nghiệp có vai trò dẫn đạo nền kinh tế. Một thực tế trong thời gian qua là những dòng vốn có nguồn gốc cứu trợ vẫn chưa thể chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng. “Các ngân hàng dường như vẫn ‘ổn’ về thanh khoản. Theo tôi, NHNN có thể hỗ trợ các ngân hàng thương mại, thông qua đó sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, bằng các chính sách giảm lãi suất, giảm dự trữ bắt buộc cho các dòng tín dụng thực sự hỗ trợ các doanh nghiệp chịu tác hại từ Covid-19”.
Cân nhắc thêm về rủi ro có thể xảy ra, PGS.TS. Trương Quang Thông khuyến nghị NHNN cũng cần tăng cường kiểm soát việc một số ngân hàng đầu tư vào trái phiếu bất động sản. Rủi ro thanh toán là vấn đề đầu tiên, từ đó ảnh hưởng đến thanh khoản ngân hàng vì những nguồn vốn đã đầu tư vào trái phiếu bất động sản này được kỳ vọng sẽ đầu tư vào nền kinh tế thực.
Cát Lam
Bạn có nên đầu tư 1,000 USD vào PGS ngay bây giờ không?
Đừng bỏ lỡ cơ hội lớn tiếp theo! Đón đầu xu thế mới cùng ProPicks AI – 6 danh mục mẫu với công cụ chọn cổ phiếu có AI hỗ trợ, đạt hiệu suất đỉnh cao trong năm 2024.
Khám phá ProPicks để tìm hiểu thêm