Vietstock - Kiến nghị miễn 100% thuế môi trường với nhiên liệu bay, nâng trần giá vé, Vietnam Airlines (HN:HVN) tiết giảm khoảng 770 tỷ
Vietnam Airlines vừa kiến nghị các Bộ Tài chính, Giao thông vận tải nâng giá trần vé máy bay áp dụng từ 1/4 để "hút" khách hạng sang và miễn 100% thuế môi trường với nhiên liệu bay. Hai đề xuất này giúp Vietnam Airlines tiết giảm được 770 tỷ đồng...
Vietnam Airlines kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét điều chỉnh giá trần áp dụng từ 1/4/2022. |
Vietnam Airlines vừa kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án áp dụng chính sách miễn 100% thuế môi trường đối với nhiên liệu hàng không trong năm 2022.
Đồng thời, hãng này kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét điều chỉnh giá trần áp dụng từ 1/4/2022 cũng như chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án cho phép hãng hàng không được thu phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa.
GIÁ NHIÊN LIỆU BAY TĂNG "SỐC" 160 USD/THÙNG, HÃNG BAY "CÒNG LƯNG" GÁNH THÊM 9.000 TỶ
Theo lý giải của Vietnam Airlines, mạng bay quốc tế thường lệ đi/đến Việt Nam tiếp tục "đóng băng" trong cả năm 2021. Hoạt động vận tải hành khách quốc tế thường lệ hoàn toàn đình trệ, chỉ duy trì hoạt động “cầm chừng” vận chuyển hành khách là chuyên gia hoặc công dân hồi hương. Tính chung cả 2021, tổng thị trường quốc tế chỉ đạt gần 500.000 khách, bằng 1,4% so với trước đại dịch vào năm 2019.
Đối với nội địa, dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam vào cao điểm Tết và cao điểm hè, nhu cầu đi lại của hành khách giảm mạnh. Tổng thị trường nội địa đạt khoảng 14,6 triệu khách, giảm 61% so với năm 2019.
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà nêu rõ thực tế: "Các hãng hàng không của Việt Nam hầu như chỉ có thể khai thác được trên 60% công suất đội tàu bay, trong đó, riêng Vietnam Airlines chỉ đạt 40%. Năm 2021, ảnh hưởng của dịch bệnh đối với Vietnam Airlines là nghiêm trọng nhất. Nhiều thời điểm hầu như không có chuyến bay chở khách, sản lượng vận chuyển hành khách bằng 27% so với 2019”.
Tuy nhiên, cùng với sự hồi phục của nền kinh tế, trong thời gian vừa qua, giá dầu không ngừng tăng nhanh, tương ứng với giá nhiên liệu bay Jet Al tăng từ mức trung bình khoảng gần 73 USD/thùng năm 2021 lên mức khoảng hơn 100 USD/thùng, tương ứng mức tăng 37%.
Trong bối cảnh hiện nay, “nhiều nguy cơ giá nhiên liệu bay Jet A1 sẽ tăng lên mức hơn 160 USD/thùng và không loại trừ những kịch bản xấu giá có thể còn tăng cao hơn nữa lên đến 200 USD/thùng”, văn bản Vietnam Airlines chỉ rõ.
Việc giá nhiên liệu này trung bình đầu tháng 3 đạt trên 130 USD/thùng đang khiến chi phí nhiên liệu của Vietnam Airlines tăng mạnh.
Nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng cho năm 2022, chi phí ước tính sẽ tăng thêm 5.700 tỷ đồng và nếu lên khoảng 160 USD/thùng, chi phí sẽ tăng thêm đến 9.120 tỷ đồng, làm trầm trọng hơn mức lỗ dự kiến trong năm 2022. |
Cũng theo Vietnam Airlines, việc chi phí khai thác không ngừng tăng cao do yếu tố khách quan không kiểm soát nhưng lại chiếm tỷ trọng lớn là giá dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, hãng này kiến nghị được miễn thuế bảo vệ môi trường, đồng thời khẳng định việc áp dụng miễn giảm 100% thuế bảo vệ môi trường cho các hãng hàng không trong năm 2022 là cần thiết.
Trong trường hợp áp dụng chính sách này, riêng Vietnam Airlines sẽ tiết giảm thêm được 600 tỷ đồng.
Hãng cũng đề nghị bổ sung quy định cho phép các hàng không triển khai phụ thu nhiên liệu trên các đường bay nội địa.
Trước đó, Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 sửa đổi bổ sung tiểu mục 2 mục I Biểu thuế bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế môi trường được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14.
Tại Điều 1 Nghị quyết số 13 quy định: "Mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 1.500 đồng/lít được áp dụng từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Từ ngày 01/01/2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít".
Mức thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 579. |
Tuy nhiên, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay ở mức 50% sẽ khiến giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 1.585 tỷ đồng, gồm thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Tính toán này Bộ Tài chính dựa trên cơ sở sản lượng nhiên liệu bay khoảng 80 triệu lít/tháng.
Vietnam Airlines cho biết thêm, theo thông lệ quốc tế, trước đây khi giá nhiên liệu luôn biến động, các hãng hàng không đã tách phần phụ thu nhiên liệu ra khỏi giá vé để chủ động điều chỉnh giá bán nhằm bù đắp một phần chi phí nhiên liệu tăng cao.
Với việc giá dầu ngày càng khó dự báo và phụ thuộc nhiều vào các biến động kinh tế, chính trị, việc triển khai phụ thu nhiên liệu trên các đường bay nội địa cũng là một giải pháp nhằm tạo sự linh hoạt cho các hãng điều chỉnh giá bán trên cơ sở cân đối cung cầu của thị trường trong khi không ảnh hưởng đến các chính sách giá của Chính phủ hiện nay.
DỄ DÀNG NÂNG GIÁ TRẦN "HÚT" KHÁCH HẠNG SANG
Tuy nhiên, Vietnam Airlines cũng cho rằng, việc miễn thuế bảo vệ môi trường cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá, đặc biệt là xác định và quy định các mức phụ thu theo các mức giá dầu để đảm bảo tính phù hợp, đúng nghĩa góp phần bù đắp kịp thời chi phí cho các hãng khi giá dầu tăng.
Vì vậy, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đề nghị, trước mắt, phương án sửa đổi quy định về giá trần sẽ khả thi và kịp thời hơn.
Theo đó, “về pháp lý, để điều chỉnh giá trần thì Bộ Giao thông vận tải chỉ cần sửa Thông tư 17 ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa”, Vietnam Airlines chỉ rõ.
Khung giá tối đa với dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản. |
Văn bản kiến nghị của Vietnam Airlines lý giải: "Mức giá trần khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không quy định tại Thông tư 17 áp dụng từ năm 2015 không còn phù hợp với tình hình đường bay nội địa".
Giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa đang được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt, gồm dải giá với nhiều mức giá từ thấp đến cao tùy theo điều kiện vé, thời điểm xuất vé và tình hình thị trường.
Tổng cục Thống kê xác định việc điều chỉnh khung giá vận chuyển hàng không gần như không có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng năm 2020. Trong trường hợp áp dụng chính sách này, Vietnam Airlines dự kiến năm 2022, hãng sẽ giảm lỗ được khoảng 170 tỷ đồng. |
Việc điều chỉnh khung giá dịch vụ hành khách không có nghĩa là các hãng hàng không tăng giá vé bất hợp lý, mà sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt.
"Từ đó, một mặt, có thể bù đắp chi phí tăng thêm do giá dầu tăng, mặt khác, có điều kiện cải thiện chất lượng dịch vụ tương xứng với giá vé cho đối tượng khách có khả năng chi trả cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, đồng thời đảm bảo các quy định về giá bán hiện hành", Vietnam Airlines thông tin.
Trước đó, ông Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không từng chia sẻ, thay vì áp giá sàn, nên bỏ giá trần sẽ có lợi cho các hãng hàng không.
Khi đó, những người có điều kiện sẽ chịu “móc hầu bao” trả vé máy bay cao ngất trời, để được xài sang hay được các hãng bay phục vụ với chất lượng tuyệt đỉnh.
Ánh Tuyết