Vietstock - Hoàn thiện khung pháp lý tài sản ảo để ra khỏi "vùng xám" rửa tiền
Với những thách thức mới trong hoạt động phòng chống rửa tiền, các chuyên gia cho rằng cần hoàn thiện cơ chế, quy định để quản lý tài sản ảo, tiền ảo.
Hoàn thiện khung pháp lý quản lý tải sản ảo là nhiệm vụ quan trọng tại Quyết định 194 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Thông tin này được ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), nguyên Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Việt Nam, cho biết tại hội thảo khoa học Góp ý xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) do VBA tổ chức ngày 13-3.
Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực VBA |
Theo ông Hùng, trong bối cảnh Việt Nam bị đưa vào danh sách giám sát tăng cường (Danh sách Xám) của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), thì việc hoàn thiện khung khổ pháp lý quản lý tài sản ảo càng cấp bách hơn.
Bên cạnh đó, từ thực tiễn vận hành của tài sản ảo, đòi hỏi phải có khung pháp lý. Hiện, hoạt động giao dịch tiền ảo tại Việt Nam thông qua các sàn giao dịch đang diễn ra khá sôi động, với các loại tiền số phổ biến như Bitcoin, Ethereum..
Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực VBA, nhấn mạnh tài sản ảo là xu thế chung không thể đảo ngược của thế giới. Tổng giá trị tài sản ảo dự kiến sẽ chiếm tới 10% GDP toàn cầu, lên tới 16.000 tỉ USD vào năm 2030.
Một số tài sản ảo phổ biến hiện nay gồm: Crypto, NFT, Token... Đối với nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo, hiện có hai loại hình chính là sàn giao dịch tập trung và sàn giao dịch phi tập trung.
Phó Chủ tịch Thường trực VBA cho biết qua tham vấn ý kiến của các bên liên quan, có 60% nghiêng về phương án cấm tài sản ảo, có 40% ý kiến trung tính. Ông Trung nhấn mạnh rằng, việc cấm tài sản ảo là không khả thi.
Thay vào đó, cần phải nhanh chóng ban hành các quy định quản lý tải sản ảo và nhà cung cấp tài sản ảo phù hợp với tiêu chuẩn phòng chống rửa tiền của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách Xám theo Quyết định số 194 ngày 23-2-2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Quyết định 194, Chính phủ đã nêu rõ nghiên cứu xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo.
Từ thực tiễn tại Việt Nam, ông Trung cho biết năm 2017 đã phát sinh vụ kiện liên quan đến tiền ảo Bitcoin. Cụ thể, Chi Cục Thuế TP Bến Tre đã ra quyết định truy thu tổng cộng 2,6 tỉ đồng thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân với ông Nguyễn Việt C. (ở Bến Tre), do ông này đã có hoạt động trao đổi tiền điện tử qua Internet từ năm 2008 đến năm 2013.
Sau đó, ông C. kiện ra tòa đối với các quyết định truy thu thuế của cơ quan thuế. Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre sau đó đã tuyên án hủy các quyết định truy thu thuế của Chi Cục Thuế TP Bến tre đối với nguyên đơn là ông Nguyễn Việt Cường, với lý do tiền điện tử chưa được pháp luật coi là hàng hóa.
Phóng viên cũng đã đặt vấn đề về việc năm 2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao các bộ ngành liên quan xây dựng khung pháp lý về tải sản ảo, tiền ảo nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện, liệu mốc thời gian hoàn thành vào tháng 5-2025 như yêu cầu của Chính phủ tại Quyết định số 194 có khả thi?
Trả lời vấn đề này, ông Phan Đức Trung nhấn mạnh thời điểm này có nhiều "động lực" để các bộ ngành nghiên cứu xây dựng khung pháp lý cũng như thể hiện quan điểm với tài sản ảo. Trong đó, có động lực đến từ việc đưa Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát tăng cường (Danh sách Xám) của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF). Đại diện VBA cũng nhìn nhận đây là vấn đề khó, có phần nhạy cảm nên cơ quan quản lý khá thận trọng.
Tại hội thảo, ông Phan Đức Trung cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp cùng hội nghề nghiệp chủ động sẵn sàng đóng thuế và đề xuất các giải pháp được đóng thuế để khẳng định vai trò của tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo đóng góp vào nền kinh tế đất nước.
Minh Chiến