Chúng ta có nhu cầu cấp thiết là giảm lãi suất và cũng có điều kiện để giảm lãi suất. Nhưng cần phải có sự phối hợp từ các cơ quan, Chính phủ để việc này có lợi cho tất cả mọi người. Thiết lập cân bằng mới Ngay từ quý 1/2023, dấu hiệu khó khăn của nền kinh tế đã bắt đầu bộc lộ nhưng đến tháng 4, tình hình không những không cải thiện mà còn xấu đi. Chỉ số đầu tiên chúng ta thấy đó là PMI từ tháng 3 tháng 4 đã tụt xuống rất sâu dưới 50 điểm.
Môi trường lãi suất cao như từ đầu năm đến nay không chỉ làm xói mòn năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, mà còn gây ra nguy cơ với chính hệ thống ngân hàng Trong nước, sự khó khăn thể hiện ở các mặt như nhu cầu về đầu tư tiêu dùng được biểu hiện lớn ở nhu cầu tín dụng, với 4 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng chỉ 3,04%, nghĩa là chưa bằng một nửa cùng kỳ năm ngoái (khoảng 7,24%). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thâm dụng lao động lớn cũng đã có sự sa thải người lao động lên đến hơn 10%.
Vậy đây sẽ chỉ là một cú sốc với nền kinh tế rồi sau đó quay trở lại trạng thái bình thường, hay là một cú sốc để tạo ra cân bằng mới và cân bằng ở mức thấp hơn so với kỳ vọng của chúng ta?
Nếu so sánh với giai đoạn năm 2009 - 2011 sẽ thấy, trong nội tại nền kinh tế khi đó có một điểm là hệ thống tổ chức tín dụng bị yếu và có nguy cơ đổ vỡ, nên chúng ta phải tập trung xử lý ảnh hưởng đến kinh tế trong nước. Tuy nhiên, may mắn lúc đó là xuất khẩu và đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng tốt, đặc biệt giải ngân đầu tư nước ngoài. Điều này tạo ra trụ đỡ để cơ cấu lại nền kinh tế, nhưng lần này, chúng ta không chỉ gặp khó khăn trong nước với vấn đề trên thị trường vốn có các trục trặc chưa giải quyết được, hay thị trường bất động sản suy yếu và ở bên ngoài, dòng vốn FDI cam kết vào Việt Nam đến nay giảm đâu đó khoảng 17%.
Tương tự, xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm cũng giảm 13% và nhập khẩu giảm 17,7%, các doanh nghiệp FDI nhập khẩu cũng giảm 18,3% trong khi họ chủ yếu nhập khẩu để phục vụ sản xuất.
Tất cả những điều này đều cho thấy trong giai đoạn tới, nền kinh tế sẽ rất khó khăn, sự xấu đi ở bên ngoài không phải là một cú sốc ngắn hạn, mà có thể sẽ thiết lập một cân bằng thấp trong giai đoạn tương đối dài. Bởi vì nó liên quan đến những xung đột về địa chính trị trên toàn cầu, xung đột giữa các nước lớn và đang có sự thay đổi về trật tự kinh tế thế giới.
Vì vậy, sẽ có những điểm mới cần được đánh giá kỹ lưỡng so với những gì chúng ta đã biết và không nên coi đây chỉ là một cú sốc tạm thời rồi sẽ tăng trưởng nhanh trở lại từ 6,5 - 7%.
Cần chính sách phản chu kỳ
Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với hai nan đề khó đó là: Thứ nhất, cầu tín dụng đang thấp nhưng lãi suất neo ở mức cao và có nhiều nguyên nhân mà rất khó để trách bất kỳ ai, vì còn liên quan đến rủi ro nền kinh tế hay lo lắng về lạm phát.TS. Nguyễn Tú Anh Tuy nhiên, nền kinh tế đang có dấu hiệu đi vào vùng suy yếu thì cần những chính sách phản chu kỳ. Nghĩa là khi nền kinh tế suy yếu, nếu thuận chu kỳ thì rủi ro tăng lên và các tổ chức tín dụng sẽ tìm cách siết chặt cho vay, đồng thời tăng chi phí vay để đảm bảo bù đắp cho rủi ro mà họ có thể phải gánh chịu. Chính điều đó làm cho khó khăn của doanh nghiệp càng tăng cao và nợ xấu sẽ xây lên trong hệ thống, sau đó tác động ngược lại phía ngân hàng.
Môi trường lãi suất cao như từ đầu năm đến nay không chỉ làm xói mòn năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, mà còn gây ra nguy cơ với chính hệ thống ngân hàng. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có những chính sách rất kịp thời như liên tục giảm lãi suất điều hành và đó là chính sách phản chu kỳ khi các nước khác đang tăng lãi suất.
Mặt khác, chúng ta phải nới được dư địa để hạ lãi suất, giúp doanh nghiệp giảm áp lực về chi phí vốn, đồng thời có thêm cơ hội vượt qua khó khăn, từ đó ngân hàng cũng giảm được rủi ro nợ xấu.
Tôi đã từng ước tính dư nợ tín dụng bình quân trong năm 2022 khoảng 11.350.000 tỷ đồng. Với mức lãi suất trung bình khoảng 10% thì chi phí cho lãi suất trong một năm là khoảng 1.130.000 tỷ đồng, tương đương 12% GDP. Trong điều kiện như vậy, bằng nỗ lực của tất cả các bên không chỉ ngành ngân hàng, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, mà chúng ta giảm được lãi suất xuống 1 điểm phần trăm, thì sự hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và người dân lên đến 113.000 tỷ đồng.
Thứ hai, Việt Nam có dư địa giảm lãi suất hay không? Nhiều người nói áp lực lạm phát vẫn cao và điều này chỉ đúng ở Mỹ và châu Âu, còn đối với Việt Nam thì không. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng cung tiền của Việt Nam tăng chỉ khoảng 0,8%, trong khi tác dụng lên lạm phát là cung tiền chứ không phải tín dụng, do đó hoàn toàn không có áp lực nào lên lạm phát lõi ở thời điểm hiện tại.
Cùng với đó, xu hướng giảm giá hàng hoá cơ bản rất rõ, như giá năng lượng, giá than, giá xăng dầu, giá hàng nông sản trên cả thế giới đều có xu hướng giảm. Vì vậy thời điểm này nếu đặt vấn đề về lạm phát thì không nên lo lắng, còn đến năm 2024 có thể sẽ khác.
Một yếu tố nữa là để giảm được lãi suất, chúng ta phải tạo thanh khoản cho nền kinh tế đủ lớn. Vừa qua có những tín hiệu rất tích cực như trong 4 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã mua lượng lớn ngoại tệ giúp tăng dự trữ ngoại hối, vô hình chung giúp cải thiện cung tiền cho nền kinh tế và làm tăng thanh khoản hệ thống. Điều đó được nhìn thấy rất rõ khi lãi suất liên ngân hàng đã liên tục giảm.
Trong thời gian tới, Chính phủ phải thúc đẩy giải ngân đầu tư công mạnh mẽ, giúp tiền ra nền kinh tế và tăng tiền nhàn rỗi cho hệ thống, khiến chi phí đầu vào hệ thống ngân hàng giảm sẽ tạo thêm điều kiện giảm lãi suất.
Có thể thấy, chúng ta có nhu cầu cấp thiết là giảm lãi suất và cũng có điều kiện để giảm lãi suất. Nhưng để biến điều này thành hiện thực thì cần phải có sự phối hợp từ các cơ quan, Chính phủ để việc này có lợi cho tất cả mọi người. Vì lãi suất cao không chỉ doanh nghiệp thiệt hại, mà bản thân ngân hàng cũng không muốn điều này xảy ra.