Vietstock - Giảm giá 2.000 tỷ, ngân hàng bán rẻ tài sản để siết nợ đại gia
Ngân hàng Đầu tư và Phát Triển (BIDV (HM:BID)) chấp nhận giảm gần 2.000 tỷ đồng để bán tiếp loạt tài sản mới của “bông hông vàng” Phú Yên và nhiều khách hàng cá nhân để thu hồi nợ.
* Nữ đại gia 'bông hồng vàng' bị siết nợ khách sạn 5 sao
Ngân hàng Đầu tư và Phát Triển (BIDV) chi nhánh Phú Tài vừa có thông báo giảm hơn 400 tỷ đồng giá khởi điểm chào bán các tài sản liên tới khoản nợ của CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn của nữ đại gia “bông hồng vàng” Thuận Thảo và 95 khách hàng cá nhân khác.
Trước đó, hồi tháng 8/2018 BIDV từng bán đấu giá với mức khởi điểm là 1.208 tỷ đồng nhưng đã không thành công.
Theo thông báo của BIDV Phú Tài, khoản nợ của CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn có tổng dư nợ hơn 462 tỷ đồng, gồm 230 tỷ đồng nợ gốc và 232 tỷ đồng dư nợ lãi. Gói nợ của 95 khách hàng cá nhân khác có tổng dư nợ hơn 2.273 tỷ đồng, gồm 978 tỷ đồng dư nợ gốc và 1.295 tỷ đồng dư nợ lãi.
Như vậy, tổng nợ gốc và lãi của 2 khoản này lên tới hơn 2.700 tỷ đồng. Nếu bán thành công với mức giá 800 tỷ đồng, BIDV sẽ mất khoảng gần 2.000 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo là 3 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Bến Thành (Q1. TP.HCM (HM:HCM)) 275m2, huyện Bình Chánh (16,5ha và 5,4h) cùng 5,2 triệu cổ phiếu của CTCP Thuận Thảo thuộc (GTT) sở hữu của bà Võ Thị Thanh.
BIDV Phú Tài bán đấu giá tài sản của Thuận Thảo.
|
Trước đó, hồi giữa tháng 6, BIDV cũng đấu giá lần thứ 11 đối với 3 tài sản liên quan đến CTCP Thuận Thảo đều tại Phú Yên. Đó là khách sạn 5 sao Cendeluxe 17 tầng và tài sản khác gắn liền với đất của Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm; Khu Trung tâm hội nghị, triển lãm và dịch vụ du lịch Thuận Thảo; Khu mở rộng Trung tâm hội nghị, triển lãm và dịch vụ du lịch Thuận Thảo (Khu Land)…
Thuận Thảo là thương hiệu trong lĩnh vực vận tải ở khu vực phía Nam và lấn sân sang lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản. Bà Võ Thị Thanh là người từng được nhận giải "bông hồng vàng" của Phú Yên. Tuy nhiên, cú chuyển hướng sang bất động sản đã khiến doanh nghiệp của nữ doanh nhân này rơi vào tình trạng nợ nần, thua lỗ lớn.
CTCP Thuận Thảo của bà Võ Thị Thanh là một doanh nghiệp từng niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) nhưng bị hủy niêm yết bắt buộc trong năm 2016 do thua lỗ kéo dài và phải xuống đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM.
Hiện cổ phiếu GTT có giá chỉ còn 300 đồng/cổ phiếu. Số lượng 5,2 triệu cổ phần GTT thế chấp tại ngân hàng giờ chỉ có giá khoảng chưa tới 1,6 tỷ đồng. Tài sản có giá trị lớn đảm bảo cho khoản vay chính là 3 khu đất tại TP.HCM.
"Bông hồng vàng" Phú Yên Võ Thị Thanh.
|
Hồi cuối tháng 2/2017, Cục thuế tỉnh Phú Yên đã hủy bỏ giá trị sử dụng toàn bộ hóa đơn, bao gồm cả tem, vé và thẻ của Thuận Thảo do nợ thuế hàng trăm tỷ đồng mà không thanh toán được. Trước đó, giữa 2016, DN đã bị hủy niêm yết toàn bộ 43,5 triệu cổ phiếu trên Sở GDCK TP.HCM do âm vốn chủ sở hữu và sau đó chuyển sang thị trường UPCOM.
Trong 6-7 năm gần đây, hệ thống ngân hàng thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ. Hàng loạt các ngân hàng phải xử lý những khoản nợ xấu kéo dài.
Hồi đầu 2020, BIDV cũng đã rao bán khoản nợ gần 1.300 tỷ đồng của CTCP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki của đại gia Nguyễn Xuna Kiên. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là hàng trăm nghìn mét vuông đất tại Mê Linh, Hà Nội; quyền khai thác mỏ quặng tại Đăk Nông; tài sản tại Vinaxuki Thái Nguyên...
Đầu 2018, Sacombank (HM:STB) đã bán thành công 3 tài sản khủng thu về 9.200 tỷ đồng sau 3 lần rao bán. Đó là 3 lô đất tại khu Công nghiệp Đức Hoà III - Long An, với 8,1 triệu mét vuông đất.
Hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu của ngân hàng cũng đã được đẩy sang Công ty quản lý tài sản (VAMC), trong đó một số được xử lý, một số sau đó được các ngân hàng mua lại.
Hồi đầu 2018, VAMC siết nợ tòa tháp cao thứ 3 Sài Gòn - Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C (Sài Gòn One Tower) và rao bán 6.100 tỷ đồng để xử lý và thu hồi khoản nợ lên tới 7.000 tỷ đồng. Đây là vụ thu nợ lớn nhất sau khi Nghị quyết về xử lý nợ có hiệu lực.
V.Hà