💼 Bảo vệ danh mục của bạn với công cụ chọn cổ phiếu có AI hỗ trợ của InvestingPro – HIỆN GIẢM tới 50% NHẬN ƯU ĐÃI

"Giải nén” để nền kinh tế bứt tốc

Ngày đăng 18:44 07/10/2021
"Giải nén” để nền kinh tế bứt tốc
BID
-

Vietstock - "Giải nén” để nền kinh tế bứt tốc

Với tiềm lực và sức bật rất lớn nhưng bị kìm nén, nếu chúng ta điều chỉnh phương thức và chiến lược chống dịch phù hợp thì GDP năm 2021 có thể đạt 3-3,5%.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV (HM:BID), thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-Tiền tệ Quốc gia chia sẻ về khả năng khôi phục và phát triển kinh tế sau đại dịch.

TS. Cấn Văn Lực.

- Ông đánh giá như thế nào về việc GDP quý III/2021 giảm sâu tới 6,17%?

Con số này chứng tỏ tác động rất lớn của dịch bệnh COVID-19, đặc biệt với lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Thực trạng này cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm soát dịch bệnh, đẩy nhanh tiêm vaccine và giãn cách xã hội phù hợp. Đồng thời cần thống nhất thay đổi mô hình phòng chống dịch bệnh phù hợp hơn, hiệu quả hơn, và cũng cần có mô hình sản xuất, kinh doanh linh hoạt, an toàn trong điều kiện mới.

- Vậy, theo ông, chúng ta cần làm gì để có thể đạt được mức tăng GDP cả năm ở mức 3-3,5%?

Để GDP cả năm đạt mức tăng trưởng 3%, thì tăng trưởng quý IV cần đạt khoảng 5,3%. Nếu quý IV tăng trưởng 7% thì cả năm mới đạt mức 3,5%. Muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng đó, chúng ta phải nỗ lực rất nhiều, rất quyết liệt và cần tính tới việc mở cửa nền kinh tế phù hợp.

Tôi cho rằng, với tiềm lực và sức bật đang rất lớn, nhất là khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, nhưng bị kìm nén lâu nay, và nếu như chúng ta có những điều chỉnh phương thức và chiến lược phòng chống dịch phù hợp hơn thì tăng trưởng GDP năm 2021 có thể đạt mức 3 - 3,5%.

- Để tạo đà cho sức bật lớn nhưng lại đang bị kìm nén, theo ông cần có những giải pháp gì cho thời gian tới đây?

Để phục hồi và phát triển kinh tế, theo tôi chúng ta cần 6 giải pháp sau.

Thứ nhất, chuyển chiến lược “mục tiêu kép” thành chiến lược “đa mục tiêu”, vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo năng lực y tế, an sinh xã hội, an ninh tâm lý và xã hội, tăng năng lực chống chịu các cú sốc bên ngoài và tâm thế phục hồi, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong và sau đại dịch.

Thứ hai, nhất quán thay đổi mô hình, chiến lược phòng chống dịch và đẩy nhanh chiến lược vaccine. Mô hình “sống chung với COVID” cần được làm rõ nội hàm cùng với những chiến lược, sách lược và giải pháp, hướng dẫn cụ thể.

Thứ ba, có kịch bản sống chung với COVID với các biện pháp phòng dịch, quy tắc giao tiếp xã hội phù hợp, song phải thận trọng, tránh quá nôn nóng khôi phục kinh tế - xã hội hoặc không có biện pháp ứng phó khi dịch bùng phát trở lại.

Thứ tư, nhanh chóng ban hành Chương trình phục hồi kinh tế trong đó cần kiên định “đa mục tiêu” và khai thác các động lực tăng trưởng thay thế, bổ sung và gồm cả chính sách phục hồi xanh.

Chính phủ cần ban hành Khung chương trình phục hồi kinh tế để các bộ, ngành địa phương nhất quán xây dựng và thực hiện chương trình của mình. Chính phủ cũng cần ban hành kế hoạch, lộ trình mở cửa rõ ràng, khả thi để doanh nghiệp, người dân có thể chủ động phương án sản xuất của mình.

Thứ năm, khẩn trương, quyết liệt thực hiện chính sách hỗ trợ đã ban hành, đồng thời ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo (quan tâm hỗ trợ lao động tự do, ngoài phần hỗ trợ riêng của các địa phương theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116). Cần tăng khả năng tiếp cận vốn hỗ trợ thanh khoản, dòng tiền cho các doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Thứ sáu, không để đứt gãy quá nhiều chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và chuỗi lao động. Xử lý nghiêm những trường hợp gây khó dễ, làm đứt gãy chuỗi cung ứng một cách vô lý. Đồng thời, cần có kế hoạch, phương án cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp về việc tuyển dụng, đi lại và giữ lao động. Việc này đòi hỏi nỗ lực, sự phối hợp ăn ý của 4 bên, bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người lao động.

Với tiềm lực, dư địa tài khóa và tiền tệ - tín dụng hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng chi ngân sách, tăng tín dụng ở mức độ hợp lý.

- Với kịch bản “sống chung với COVID”, theo ông cụ thể sẽ phải như thế nào?

Ngoài việc phân nhóm cấp độ dịch theo địa bàn (phường, xã, tổ, thôn, xóm…), cũng cần phân loại và có lộ trình nới lỏng giãn cách xã hội phù hợp đối với từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể tùy thuộc vào mức độ nguy cơ lây nhiễm. Theo đó, có thể phân nhóm các ngành kinh tế thành 3 cấp độ.

Các ngành, lĩnh vực kinh tế đóng góp quan trọng nhưng có nguy cơ lây nhiễm thấp như nông nghiệp, xây dựng, vận tải-kho bãi (logistics)...

Các ngành kinh tế đóng góp trung bình, có nguy cơ lây nhiễm trung bình, như bất động sản, ICT, tài chính – ngân hàng, du lịch…

Các ngành kinh tế đóng góp trung bình nhưng có mức độ lây nhiễm cao như vận tải hàng không/công cộng, dịch vụ ăn uống (tại chỗ), lưu trú, quán bar, cơ sở giáo dục - đào tạo, trung tâm thể thao, phòng tập gym…

Các biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa cần phù hợp hơn về thời gian, không gian, địa điểm.

Không phong tỏa tất cả mọi hoạt động kinh tế-xã hội trên phạm vi lớn gây ảnh hưởng lớn đến người dân, doanh nghiệp, tình hình an ninh trật tự xã hội. Cần có hướng dẫn sản xuất an toàn và trao quyền cho doanh nghiệp quyết định lựa chọn mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Linh hoạt, chủ động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm và tăng cường ứng dụng CNTT và dữ liệu để kiểm soát dịch, kiểm tra năng lực y tế và điều trị - đây đang là điểm yếu lớn của Việt Nam cần sớm khắc phục. Quan điểm xuyên suốt ở đây là “không thể an toàn tuyệt đối mà vấn đề là kiểm soát rủi ro như thế nào”.

- Theo ông, đâu sẽ là những động lực chính trong chương trình phục hồi kinh tế?

Theo tôi, đó là đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy nhanh tiến trình, phát triển kinh tế số - chính phủ số vừa là để tăng năng suất lao động, vừa là theo kịp xu thế và giảm rủi ro lây lan dịch bệnh. Đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thu hút, phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.

Cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh, trong đó cần tháo gỡ ngay những rào cản trong các quy định phòng chống dịch và đầu tư - kinh doanh không phù hợp để người dân, doanh nghiệp yên tâm khôi phục sản xuất kinh doanh, vừa tận dụng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng vẫn còn diễn ra.

- Động lực chính cho phục hồi kinh tế vẫn phải có nguồn lực, trong khi chúng ta lại đang khó khăn ở khâu này, thưa ông?

Lúc này cần chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng và tăng tín dụng trong tầm kiểm soát. Với tiềm lực, dư địa tài khóa và tiền tệ - tín dụng hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng chi ngân sách, tăng tín dụng ở mức độ hợp lý và từ năm 2023 có thể quay lại quỹ đạo, kiểm soát những cán cân này lành mạnh hơn.

Trong khi dư địa nợ công vẫn còn và lãi suất vay đều đang ở mức thấp (cả trong nước và quốc tế), Chính phủ nên phát hành trái phiếu Chính phủ, vay quốc tế (từ các tổ chức WB, ADB…). Nhiều nước đang phát triển (như Philippines, Indonesia, châu Mỹ La Tinh …) đang đi theo hướng này.

Nhưng phải hết sức chú trọng, quyết tâm cải tiến hiệu quả, kịp thời của khâu thực thi. Ở đây, vai trò giám sát, đôn đốc của Bộ, ngành chủ trì và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cùng với chế tài cụ thể sẽ mang lại kết quả tích cực hơn.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Việt

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.