Vietstock - Doanh nghiệp đề xuất cho người nước ngoài được mua bất động sản nghỉ dưỡng
Đó là một trong những đề xuất của Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group bà Nguyễn Thái Hoài Anh trong buổi Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững diễn ra sáng ngày 15/11/2023 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.
Tham dự Hội nghị, ngoài các lãnh đạo một số bộ, ban, ngành liên quan, còn có đại diện Hiệp hội du lịch Việt Nam, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp lớn ngành du lịch và hàng không.
Trong đó, bao gồm đại diện nhóm bất động sản (BĐS) du lịch, nghỉ dưỡng như Sun Group, Vinpearl – Vingroup (HM:VIC), Sovico; đại diện cho nhóm hàng không, lữ hành như Sovico, Vietnam Airlines (HN:HVN), Vietravel; đại diện bán lẻ du lịch Liên Thái Bình Dương (IPPG).
Mở rộng miễn thị thực cho du khách quốc tế
Tại Hội nghị, hai đại diện cho nhóm BĐS du lịch, nghỉ dưỡng gồm Tập đoàn Sun Group bà Nguyễn Thái Hoài Anh và Phó Tổng Giám đốc kinh doanh và marketing Vinpearl, Tập đoàn Vingroup bà Ngô Hương phát biểu một số ý kiến đóng góp phát triển ngành du lịch Việt Nam nói chung và BĐS du lịch, nghỉ dưỡng nói riêng.
Đại diện Sun Group mong muốn Chính phủ mở rộng miễn thị thực cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu cho du lịch lớn và thời gian lưu trú dài hạn. Đây cũng là ý kiến của đại diện Tập đoàn Vingroup và Bộ VHTT&DL.
Theo bà Hoài Anh, ngân sách quảng bá du lịch Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, đồng thời đề xuất xúc tiến du lịch ra quốc tế, tăng cường quảng bá và truyền thông tới những thị trường trọng điểm, đẩy mạnh hợp tác hàng không, mở rộng thị trường và đường bay với các thị trường lớn.
Bà Hoài Anh cũng nêu đề xuất người nước ngoài nên được mua BĐS du lịch, nghỉ dưỡng tại Việt Nam thay vì chỉ mua được nhà ở như hiện nay, cho phép du khách quốc tế có thời gian lưu trú dài ngày hơn và chi tiêu nhiều hơn.
Bà Ngô Hương, đại diện Tập đoàn Vingroup phát biểu tại Hội nghị
Nguồn: VGP
|
Phía Tập đoàn Vingroup, bà Ngô Hương bày tỏ mong muốn xây dựng Việt Nam trở thành điểm “phải đến” tại châu Á, vừa mang bản sắc Việt vừa có tính quốc tế cao.
Bà Hương cũng đưa ra một số ý kiến, trong đó đề xuất xây dựng kế hoạch hành động du lịch xanh – bền vững quốc gia và hành động để đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC) cho các cơ sở du lịch, khách sạn.
Ngoài ra, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch lưu trú, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng và Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ông Lâm Minh Thành mong muốn sớm xem xét điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất. Bộ trưởng cũng kiến nghị kéo dài thời gian nộp thuế VAT thêm 12 – 24 tháng và hoãn thời gian nộp tiền thuê đất.
Tạo điều kiện để hàng không hỗ trợ phát triển du lịch
Tại Hội nghị, Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings bà Nguyễn Thị Phương Thảo nêu quan điểm cần tạo điều kiện để hàng không thu hút nhanh nhất, đưa du lịch và đầu tư đến tất cả sân bay quốc tế như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt, Vân Đồn, Hải Phòng, Huế bên cạnh TPHCM và Hà Nội.
Bà Thảo bày tỏ mong muốn ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý xuất nhập cảnh, cấp visa điện tử nhanh chóng và thuận tiện cho du khách quốc tế, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao du lịch, có các chính sách hỗ trợ phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam, chính sách quản lý slot bay và quản lý hoạt động khai thác cảng.
Ngoài ra, lãnh dạo Sovico cũng đề xuất Chính phủ hỗ trợ về thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm phí cho các đường bay quốc tế mới, đồng thời giảm lãi suất cho hàng không, khách sạn và du lịch.
Theo ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, HOSE: HVN), cần xem lại cập nhật chiến lược phát triển du lịch quốc gia bên cạnh xây dựng chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch, đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển hàng không xanh và bền vững như triển khai sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường.
Ông Hà cho rằng nên có một cơ quan giúp kết nối, tổ chức những thông tin kết nối dữ liệu khách du lịch để nâng cao trải nghiệm của khách đến Việt Nam. Đồng thời kiến nghị các chính sách hỗ trợ cho các hãng hàng không và du lịch để phục hồi trở lại trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines phát biểu tại Hội nghị
Nguồn: VGP
|
Đại diện nhóm doanh nghiệp lữ hành, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Vietravel (UPCoM: VTR), đề xuất tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển du lịch, bao gồm cả bổ sung vấn đề du lịch trong Luật Đất đai.
Ông Kỳ cho biết sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bình Định để đưa về các sự kiện quốc tế, sắp tới sẽ là giải đua vô địch thuyền máy quốc tế F1 về Bình Định kéo theo 10,000 – 15,000 khách quốc tế cùng khoảng 3,500 vận động viên tham gia thi đấu.
Áp dụng mô hình trung tâm bán hàng giảm giá
Liên quan đến du lịch bán lẻ, bà Lê Hồng Thuỷ Tiên - Tổng Giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), đề xuất mô hình trung tâm bán hàng giảm giá (Factory Outlet) trong khu phi thuế quan và mô hình cửa hàng miễn thuế tại trung tâm thành phố.
Theo bà Tiên, các công ty du lịch được hưởng 10% hoa hồng trên doanh số từ việc bán hàng miễn thuế sẽ giúp giải quyết bài toán giảm giá tour/vé máy bay, giá khách sạn cho các công ty du lịch, lữ hành để có thể cạnh tranh giá tour trong khu vực.
Đại diện IPPG mong muốn Chính phủ nghiên cứu quy hoạch chuyên sâu về phát triển thương mại bán lẻ theo hướng hiện đại, bài bản tại khu cảng, đường thủy, biên giới và các cảng hàng không. Thành lập Hội đồng liên kết du lịch mua sắm nhằm đề xuất các chính sách chung về phát triển mua sắm du lịch, phân tích nhu cầu thị trường.
Tử Kính