Vietstock - Doanh nghiệp có hưởng lãi vay thấp như mong đợi?
Lãi suất huy động (LSHĐ) của các ngân hàng thương mại (NHTM) sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần đã tăng thêm 0,3-0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Diễn biến này là điều đã được tiên đoán trước.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán lãi suất huy động đã tăng thêm 0,3-0,5%
|
Trong thời gian dịch bệnh kéo dài, tín dụng trì trệ, LSHĐ đã giảm từ 1-1,5%/năm so với trước đây. Điều này khiến tiền gửi dân cư tại hệ thống NHTM liên tục sụt giảm. Phần lớn dòng tiền này được cho là đã chảy sang các kênh có mức sinh lời cao hơn như chứng khoán và bất động sản.
Giờ đây, các nhà băng bằng mọi giá phải “giành lại” nguồn vốn, thể hiện qua cuộc đua tăng LSHĐ từ cuối năm 2021 đến nay. Đã có NH gây sốc như VPBank (HM:VPB) áp dụng nhân đôi lãi suất tháng đầu tiên cho khách hàng gửi tiết kiệm Prime Savings trên NH số VPBank Neo.
Theo đó, có thời điểm, khách hàng gửi với kỳ hạn 12 tháng nhận được lãi suất 12,4%/năm trong tháng đầu. Tại nhiều NH khác, LSHĐ sau kỳ nghỉ Tết cũng nâng lên dưới nhiều hình thức như tăng lãi suất tiền gửi tại quầy, tăng lãi suất tiền gửi online, tăng khuyến mãi, tặng lì xì.
Một số NH nối dài chính sách lãi suất cao so với mặt bằng chung lên đến 7,4 - 7,6%/năm đối với những khoản tiền gửi hàng trăm tỷ đồng kỳ hạn trên 12 tháng…
Không quá ngạc nhiên với diễn biến này, vì hoạt động chính của các NHTM vẫn là cho vay. Năm 2021, tín dụng tăng trưởng khá chậm chạp vào các tháng đầu năm, các nhà băng buông lơi việc hút tiền gửi. Vì hút vào không thể cho vay ra, chỉ khiến họ tăng gánh nặng chi phí trả lãi cho người gửi tiền.
Nay chúng ta chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn với Covid-19; các hoạt động của nền kinh tế được kỳ vọng mở cửa hoàn toàn trở lại; và Chính phủ thực hiện chương trình hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau đại dịch thông qua cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Cầu tín dụng năm 2022 theo đó được dự báo sẽ tăng cao. Để có đủ vốn bơm ra qua kênh tín dụng, NH phải hút tiền gửi trở lại.
Đầu tháng 1-2022, tại Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, liên quan đến chính sách tiền tệ, Quốc hội có nêu: “NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1%/năm trong năm 2022 và 2023, nhất là với các lĩnh vực ưu tiên”.
Nhưng hiện tại, có sự lệch pha trong chính sách vĩ mô giữa Việt Nam và thế giới. Năm 2022, các quốc gia trên thế giới sẽ thu hẹp gói hỗ trợ, tăng lãi suất. Ngược lại, Việt Nam tung ra gói hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ, giảm lãi suất.
Xem ra bài toán giảm lãi suất cho vay đặt chính sách tiền tệ nói chung và các nhà băng nói riêng vào thế khó nếu nhìn vào bức tranh tổng thể nói trên. Vì NHNN đang tiến thoái lưỡng nan trong việc bơm thêm hỗ trợ từ công cụ chính sách tiền tệ trước hành động của các NH Trung ương hiện tại.
Trong khi đó, theo Nghị quyết 43 của Chính phủ về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình hồi phục kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do Covid-19 được hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023, tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các NHTM.
Như vậy áp lực đảm bảo nguồn vốn của NH cũng sẽ tăng, dẫn đến lãi suất tăng. Và tăng LSHĐ lúc này không chỉ để không trượt mất cơ hội kinh doanh, mà còn là để thực hiện “trách nhiệm” phục hồi kinh tế.
Đáng lo là LSHĐ tăng tức là lãi suất cho vay cũng sẽ tăng. Vì về bản chất NH vẫn là DN, họ có thể giảm lãi suất cho một nhóm nào đó, nhưng không thể giảm toàn bộ nếu giá huy động vốn cao hơn. Có ý kiến cho rằng, điều này sẽ được hóa giải bằng gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm.
Song vấn đề đặt ra là khi lãi suất cho vay tăng lên, việc hỗ trợ lãi suất cho DN có còn ý nghĩa? Chẳng hạn lãi suất cho vay hiện tại bình quân ở mức 6%/năm, khi LSHĐ tăng lên, nhà băng có thể tăng lãi suất lên 7-8%/năm. Xem ra có thêm mức hỗ trợ 2%/năm, DN cũng vẫn chịu mức lãi như hiện tại, và người hưởng lợi tốt nhất vẫn là người gửi tiền bởi LSHĐ tăng trở lại.
Như vậy, muốn DN thật sự có được lãi suất tốt về thực chất, có thể NHNN sẽ phải tính toán để có thêm công cụ hỗ trợ, cũng như phía NH phải chủ động tiếp tục tiết giảm mạnh chi phí để đồng hành cùng DN.