Investing.com -- Việc triển khai áp dụng chính thức giá điện 2 thành phần cho khách hàng sản xuất có thể được thực hiện từ 1.1.2025. Các thành phần gồm giá mà người sử dụng điện phải trả cho công suất đăng ký sử dụng và phần phải trả cho lượng điện năng tiêu thụ.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN đã có báo cáo gửi Bộ Công thương đề xuất áp dụng giá điện hai thành phần. Và nếu giai đoạn thử nghiệm được triển khai và kết thúc theo kế hoạch thì việc áp dụng sẽ được triển khai từ năm 2025.
Theo đề xuất của EVN, giá điện hai thành phần gồm phần giá mà người sử dụng điện phải trả cho công suất đăng ký sử dụng và phần phải trả cho lượng điện năng tiêu thụ.
Theo các chuyên gia, khi áp dụng cơ chế giá điện hai thành phần sẽ phản ánh chính xác chi phí phải bỏ ra để phục vụ mỗi khách hàng. Đó là các khoản như: chi phí đường dây, trạm biến áp và chi phí điện năng. Khi được áp dụng sẽ giảm việc bù chéo giữa các khách hàng, đồng thời, cơ chế này cũng tránh các khách hàng đăng ký công suất lớn nhưng không dùng.
Ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI cho biết: “Nó giống hệt như cơ chế trước đây chúng ta trả tiền điện thoại thuê bao hàng tháng. Tức là chúng ta có một khoản tiền trả cho thuê bao, rồi chúng ta gọi thêm cuộc nào thì tính tiền cuộc ấy. Việc này cũng tương tự như vậy, có một khoản cố định hàng tháng, bất kể cho sử dụng điện hay không nhưng đến lúc sử dụng điện thêm thì sẽ tính thêm tiền. Tuy nhiên, lưu ý một điểm rất rõ ràng, đơn giá tính tiền điện sử dụng thêm phải thấp hơn đơn giá hiện hành”.
Cũng theo EVN, phương án tính giá điện hai thành phần sẽ phản ánh đầy đủ chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh điện. Về lộ trình áp dụng cơ chế giá mới, EVN đề nghị áp dụng theo hai giai đoạn: Giai đoạn thử nghiệm, giai đoạn chuyển đổi và áp dụng chính thức.
Hiện, phương pháp tính giá điện hai thành phần được đa phần các nước trên thế giới áp dụng. Trong khi đó, Việt Nam đang duy trì cơ chế giá bán điện theo một thành phần điện năng tiêu dùng, nghĩa là tính theo lượng điện năng tiêu thụ thực tế.