Vietstock - Cuộc đua thẻ tín dụng: Cần hướng đến tính bảo mật cho khách hàng
Chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước cũng như điều kiện hạn chế tiếp xúc do dịch COVID-19 đã khiến các ngân hàng lao vào cuộc đua làm hài lòng khách hàng sử dụng thẻ tín dụng.
Chiếc thẻ tín dụng với ưu điểm “thanh toán trước, trả tiền sau” (thông thường phải thanh toán trong vòng 45 ngày hoặc sẽ bị tính lãi) đã thu hút được lượng lớn khách hàng trong bối cảnh thói quen chi tiêu và nhu cầu sử dụng thay đổi dần. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 với yêu cầu hạn chế tiếp xúc đã trở thành “chất xúc tác” thúc đẩy nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng trong thời gian qua tăng cao.
Hiện nay, tại Việt Nam có cả thẻ tín dụng quốc tế và thẻ tín dụng nội địa. Cũng như thẻ tín dụng quốc tế, khách hàng sử dụng thẻ tín dụng nội địa cũng có thể thanh toán khi mua hàng hóa qua thiết bị chấp nhận thẻ (POS) tại siêu thị, quán ăn hoặc các trang thanh toán điện tử có liên kết. Hiển nhiên những điểm chấp nhận thẻ nội địa cũng nhiều hơn và ở những nơi có phần “bình dân” hơn thẻ quốc tế.
Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng thẻ càng nhiều, tội phạm công nghệ cũng càng cao. Từ lâu đã ghi nhận nhiều trường hợp khách hàng phản ánh bị đánh cắp thông tin thẻ, mất tiền trong khi không sử dụng thẻ.
Việc khách hàng đánh mất thẻ tín dụng và kẻ gian nhặt được thanh toán là chuyện dễ hiểu, nhưng vẫn có những trường hợp thẻ tín dụng vẫn nằm trong ví mà khách hàng vẫn bị mất tiền.
Như trường hợp của chị T. (Tân Bình, TPHCM), chị nhận được tin nhắn trừ 20 triệu đồng trong tài khoản thẻ tín dụng dù không bị mất thẻ, cũng không thực hiện giao dịch nào. Các giao dịch thanh toán từ thẻ của chị đều là trả cho dịch vụ quảng cáo qua Facebook (NASDAQ:FB), Google (NASDAQ:GOOGL) mà không yêu cầu nhập mã OTP xác thực.
Hay như anh N. (Thủ Đức, TPHCM, tin nhắn báo về lúc nửa đêm trừ tiền giao dịch mua thẻ cào, thẻ game với giá trị 2 triệu đồng trong khi thẻ vẫn nằm trong ví và anh không thực hiện giao dịch.
Không chỉ liên quan đến thẻ, dù đã được báo đài cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn có rất nhiều trường hợp bị mất tiền do đăng nhập vào các đường dẫn hay trang web lạ. Nhiều trường hợp nhận được email hoặc tin nhắn yêu cầu đăng nhập vào liên kết được cung cấp hoặc mở tệp đính kèm để thiết lập lại thông tin tài khoản như số tài khoản hoặc mã bảo mật CVV/CVC phía sau. Hình thức lừa đảo tưởng như rất đơn giản này thực tế đã lừa được rất nhiều người sập bẫy.
Rõ ràng, các lỗ hổng khi giao dịch thẻ tín dụng vẫn còn nhiều, khiến đa số khách hàng có phần bất an về độ bảo mật, vì một giao dịch thanh toán bằng thẻ tín dụng khá dễ dàng. Thậm chí, khi bạn thanh toán tại cửa hàng, cũng chỉ cần quẹt thẻ và ký tên vào hóa đơn là giao dịch thành công. Do đó, ngoài việc tiện ích của thẻ ngân hàng nào nhiều hơn thì vấn đề bảo mật là việc khách hàng quan tâm hàng đầu.
Ngân hàng đang ưu tiên tăng cường bảo mật thẻ
Đại diện Ngân hàng Bản Việt (BVB) cho biết, cũng như thẻ tín dụng quốc tế, hiện nay thẻ tín dụng nội địa đã áp dụng chuẩn công nghệ chip theo quy định của NAPAS, đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin trong quá trình giao dịch, hạn chế các gian lận, giả mạo có thể phát sinh.
Song song đó, chủ thẻ BVB có thể quản lý thông tin thẻ cũng như có thể kích hoạt, khóa và mở thẻ bằng cách thao tác trực tiếp trên ứng dụng ngân hàng số Digimi, giúp khách hàng có thể kiểm soát tốt tình trạng thẻ nhằm hạn chế các rủi ro khi mất thẻ.
Về tính bảo mật của thẻ tín dụng quốc tế, đại diện HSBC Việt Nam cho biết, một loạt các tính năng bảo mật mới nhất đã có sẵn trên thẻ nhằm bảo vệ người tiêu dùng như mật khẩu dùng một lần được gửi qua tin nhắn SMS để bảo vệ các giao dịch trực tuyến, thông báo bằng tin nhắn SMS và email ngay tức thì đối với mọi giao dịch bằng thẻ tín dụng, và tất cả các thẻ đều được trang bị chip EMV giúp bảo mật thông tin của khách khi thực hiện các giao dịch trực tiếp. Nhìn chung, các biện pháp bảo mật này cung cấp cho khách hàng một môi trường giao dịch không gian lận, giúp họ yên tâm hơn khi sử dụng thẻ tín dụng của HSBC.
Để khách hàng yên tâm sử dụng, bà Lê Thị Bích Vân - Giám đốc Trung tâm Thẻ Ngân hàng Shinhan chia sẻ thêm về tính bảo mật của thẻ tín dụng Shinhan với tính năng thanh toán chạm tiện lợi của chip theo tiêu chuẩn EMV, nhằm bảo mật thông tin giao dịch, tránh bị làm giả hay sao chép. Ngoài ra, dịch vụ 3D Secure phiên bản mới nhất 2.0 cũng được tích hợp, giúp định danh khách hàng cho các giao dịch thanh toán trực tuyến.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 17/2021/TT-NHNN trong đó quy định các nội dung mà các tổ chức tín dụng phải đảm bảo khi phát hành thẻ bằng phương thức điện tử; cụ thể như các biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết, xác minh thông tin khách hàng và cũng như các biện pháp quản lý, đánh giá rủi ro. Các ngân hàng dù nội hay ngoại đều cam kết sẽ luôn tuân thủ theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước.
HSBC đã cải thiện quy trình mở tài khoản cho khách hàng mới dù chọn bất kỳ kênh đăng ký thẻ tín dụng nào. Thông qua kênh trực tuyến, tại chi nhánh/phòng giao dịch hay qua điện thoại, khách hàng có thể đăng ký thẻ tín dụng mới hết sức dễ dàng và an toàn chỉ trong vòng 5-10 phút với số lượng chứng từ yêu cầu tối thiểu.
Tại Bản Việt, Ngân hàng đã nghiên cứu và áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến trong quá trình eKYC, kết hợp hình thức hợp đồng điện tử và chữ ký số nên khi khách hàng đăng ký mở thẻ tín dụng trực tuyến tại đây thì có thể yên tâm về yếu tố bảo mật lẫn an toàn thông tin.
Cát Lam