Vàng và USD đang ở đỉnh cao của lịch sử giao dịch có thể là tín hiệu vui mừng cho các nhà đầu tư. Song, trong bối cảnh chung của toàn thị trường đó không phải là tin hoàn toàn tốt. Phiên sáng nay (8/3), giá vàng miếng SJC lập kỷ lục mới ở mức 81,8 triệu đồng/lượng, tăng mạnh so với con số 66 triệu đồng/lượng ở thời điểm cách đây 1 năm. Giá vàng nhẫn cũng lập kỷ lục mới khi vượt mốc 69 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới đứng ở mức 2.112USD/ounce, thiết lập đỉnh mới cao nhất mọi thời đại. Mức đỉnh trước đó được lập vào đầu tháng 12/2023 với giá 2.110 USD/ounce. Giá vàng trong nước hiện đang cao hơn giá vàng thế giới gần 20 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, vàng cũng đang được giao dịch ở vùng cao nhất mọi thời đại. Giá vàng giao ngay ở mức 2.155 USD/ounce.
Mặc dù đã hạ nhiệt một chút vào hôm nay, một loại tài sản khác là USD cũng tăng không ngừng trong những ngày qua. Ngày 6/3, tìm hiểu thị trường USD chợ đen, giá mỗi USD bán ra là 25.620 đồng. Giá USD bán ra ở một số nơi đã tiến gần 25.700 đồng/USD, vượt xa mức đỉnh hồi tháng 10-11/2022.
Đi tìm nguyên nhân giá hai loại tài sản chủ chốt tăng chóng mặt
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh PhongChuyên gia Nguyễn Minh Phong – Tiến sĩ kinh tế, nguyên Phó vụ trưởng; Nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội cho rằng, hai loại tài sản vàng và USD bật tăng đều có nguyên nhân.
“Vàng thế giới tăng do tình hình chính trị bất lợi khiến người ta tìm cách đổ tiền vào đó để giữ tài sản. Không chỉ nhà đầu tư Việt Nam mà các ngân hàng trung ương cũng đều lựa chọn mua vàng để dự trữ. Và nhu cầu cao thì ắt giá leo theo".
Theo số liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới, các ngân hàng trung ương mua vàng ở mức kỷ lục, đưa nhu cầu vàng toàn cầu trong quý III/2023 (không bao gồm thị trường OTC) chạm mức 1.147 tấn, vượt 8% so với trung bình trong 5 năm. Trong đó Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) vẫn là khách hàng mua vàng thỏilớn nhất, đã mua 23 tấn vàng trong lần bổ sung dự trữ hàng tháng thứ 12 liên tiếp. Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ mua 19 tấn để tăng lượng vàng dự trữ. Ngân hàng Quốc gia Ba Lan tiếp tục bổ sung vào kho dự trữ vàng thêm 6 tấn.
Việc "săn" vàng ồ ạt từ các nước khiến kim loại đã quý lại càng quý hơn, đẩy các thị trường vàng cứ như vậy dựng đứng.
>> Khi nào giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí từ 80 xuống 75?
Đối với thị trường trong nước, chuyên gia Nguyễn Minh Phong nhận định, vàng là tài sản độc quyền, Nhà nước không nhập nhiều lại càng tăng, đặc biệt là loại vàng SJC không được sản xuất thêm thì lại càng thiếu. Ngoài ra, hiện tại những cơ hội kinh doanh đầu tư khác đang bị kém đi cũng tạo ra sự bùng nổ của giá vàng.
"Về phần USD tăng là do bối cảnh lạm phát đang tăng cao trên toàn cầu nhưng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn chưa chịu hạ lãi suất. Cơ quan này duy trì quan điểm chống lạm phát, đồng nghĩa vẫn tiếp tục giữ chính sách tiền tệ thắt chặt và giữ giá trị của đồng bạc xanh. Điều này gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam".
Thậm chí nhiều chuyên gia nước ngoài đang “tuyệt vọng” niềm tin và dự đoán lạm phát có khả năng tăng tốc, lãi suất của FED có khả năng còn giảm. Lạm phát cao liên tục có thể khiến các nhà đầu tư mất niềm tin vào ngân hàng trung ương và khiến vàng trở thành tài sản hấp dẫn đối với họ.
Một nguyên nhân nữa khiến vàng và USD tăng theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong là từ sự lựa chọn của các nhà đầu tư. Nhà đầu tư chọn tích trữ USD thay vì tiền Việt bởi thời điểm bây giờ, tiền Việt đang có lãi suất rất thấp. Đây cũng là một dạng đầu tư khi sử dụng đồng tiền lãi suất thấp để mua đồng tiền lãi suất cao và hưởng lợi từ chênh lệch.
Giá vàng và USD còn tăng đến bao giờ, có nên mua vào để kiếm lời?
"Để bình ổn thị trường vàng và đô la là rất khó" - Chuyên gia nhận xétTheo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, giá vàng và USD sẽ không thể tăng mãi mà sẽ có điểm dừng. Hoặc nếu có tăng cũng không tăng nhiều bởi vì mức tăng của nó đã quá lớn so với quy luật kinh tế.
“Giá hai loại tài sản này nếu tăng mãi sẽ vô cùng ảnh hưởng đến thị trường chung. Thứ nhất nó sẽ làm giảm nguồn vốn vào các lĩnh vực khác. Thứ hai làm chết đọng vốn, mà chết đọng vốn thì gây ra hệ lụy không hề nhỏ. Và thứ ba làm giảm tổng cầu bởi người dân tích trữ tài sản đó, mua vào cất két thì sẽ thắt chặt tiêu dùng. Lúc này các ngành nghề khác, các lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng theo, không thể nói là tích cực được”.
>> Nhu cầu vàng thời gian tới tiếp tục "nóng" lên?
Tuy nhiên, “để bình ổn được hai thị trường này vô cùng khó bởi Việt Nam thiếu nguồn lực để bình ổn. Vàng và USD mình phải đi nhập khẩu chứ đâu sẵn có, giá thế giới lên thì thị trường trong nước cũng bị kéo lên theo. Tính đến giải pháp thì chỉ có liên thông thị trường trong nước và quốc tế, cộng với tuyên truyền để không xảy ra tình trạng đầu cơ và xử lý nghiêm những trường hợp lợi ích nhóm” , vị chuyên gia nhận xét.
Đối với việc có nên rót vốn đầu tư vào vàng hay USD thời điểm này hay không, chuyên gia Nguyễn Minh Phong khuyên người dân nên cẩn trọng bởi rủi ro khá lớn vì giá vàng thế giới và Việt Nam chênh lệch nhau khá xa. “Nhìn chung thì giá vàng có biến động rất lớn. Vàng có ưu thế là có tính thanh khoản cao nên người ta ưa chuộng. Nhưng vì dễ chuyển thành tiền nên đầu tư ngắn hạn kiếm lời không phải là câu chuyện đơn giản, cần cân nhắc kỹ lưỡng”, ông nói.
Ngoài ra, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nhận định, một số thị trường có thể đón nhận dấu hiệu tích cực khi hai loại tài sản chủ chốt đang “được giá”, lấy ví dụ thị trường bất động sản.
Về nguyên tắc giá vàng và USD cùng tăng thì giá bất động sản ít nhiều cũng tăng theo nhưng biên độ chậm hơn. Và hệ quả này cũng có thể dẫn đến tăng nhu cầu đầu tư vào bất động sản. Nhưng ngược lại, nếu như giá trị bất động sản mà quy đổi thành vàng hay USD thì chắc chắn nhà đầu tư sẽ có tâm lý “chùn bước” và giảm nhu cầu mua.
>> Vì sao giá lúa gạo giảm?