Vietstock - 'Bão giá' nhân dân tệ, USD khó có sóng
Tăng 10 đồng, lại giảm 5 đồng; giảm 10 đồng lại tăng 5 đồng... điệp khúc này của tỷ giá trung tâm suốt 2 tháng vừa qua khiến nhiều nhà đầu tư găm giữ, đầu cơ USD gần như không có lãi.
|
Ngày 8.8, tỷ giá trung tâm VND/USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết ở mức 23.107 đồng/USD, giảm 10 đồng so với mức 23.117 đồng/USD của ngày trước đó. Trên thị trường, Vietcombank (HM:VCB) mua vào 23.160 đồng/USD, bán ra 23.280 đồng/USD, giảm mạnh 30 đồng ở cả hai chiều so với ngày 7.8. Giá USD chợ đen cũng chỉ ngang ngửa với giá do ngân hàng bán ra.
Găm giữ, đầu cơ không có lãi
Nhìn lại, 1 năm qua có thể thấy, tỷ giá VND (HM:VND)/USD gần như vẫn chạy ngang quanh mốc 23.000 đồng/USD. Với lãi suất gửi USD là 0%/năm, USD không biến động mạnh, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, nhà đầu tư nắm giữ ngoại tệ này gần như không có lãi. Đây chính là lý do mà suốt thời gian “sóng” USD rất yếu ớt, thị trường gần như không có nạn đầu cơ, thổi giá, găm USD.
Nhưng tâm lý thị trường đang kỳ vọng khi ngày 6.8, lần đầu tiên sau 1 thập niên, CNY/USD (CNY - nhân dân tệ) vượt mốc 7 CNY đổi 1 USD. Lập tức, thị trường tài chính toàn cầu chao đảo, Mỹ phản ứng gay gắt và xếp Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ. Các nhà đầu tư đặt kịch bản với việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, VN cũng không thể đứng yên, USD sẽ nhảy nhót và tạo “sóng” từ nay đến cuối năm.
Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên ngày 8.8, một lãnh đạo NHNN cho rằng Trung Quốc không dám phá giá quá mạnh vì điều này sẽ gây ra tác hại rất lớn khi nhà đầu tư nước ngoài tại nước này rút vốn, cũng như Mỹ liệt vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ. Trong nước, với nguồn dự trữ ngoại hối khoảng 68 tỉ USD, cùng dư địa chính sách lớn, NHNN hoàn toàn có thể kiểm soát được tỷ giá nên chắc chắn không có cơn sốt đối với ngoại tệ này.
Khó tăng quá 3%
Trả lời báo chí, PGS-TS Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, cho rằng trong 7 tháng vừa qua, thị trường chính thức tỷ giá trung tâm tăng khoảng 1,11%, tỷ giá của các ngân hàng thương mại tăng khoảng 0,2%. Các yếu tố tích cực tác động đến tỷ giá là dự trữ ngoại hối của VN đang tăng. Đây là điều kiện hỗ trợ NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá.
Cùng đó, NHNN kiên định thực hiện điều hành tỷ giá linh hoạt và đảm bảo tránh những “cú sốc” bằng việc điều chỉnh tăng dần tỷ giá, dù diễn biến trên thị trường khá ổn định. “Với sự điều hành của NHNN thời gian qua, hoàn toàn có đủ dư địa để ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm và mức độ giảm giá trong cả năm từ 2-2,5%”, PGS-TS Phạm Thị Hoàng Anh khẳng định.
Phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (HN:BVS) (BVSC) mới đây cũng nhận định việc tỷ giá CNY/USD qua mức 7 sẽ khiến tiền của các thị trường mới nổi khác ít nhiều chịu áp lực. Với VN, tỷ giá VND/USD tính đến cuối tháng 7 gần như đi ngang so với cuối năm ngoái nên NHNN vẫn đang còn khá nhiều “dư địa” để điều hành trước diễn biến mới của đồng CNY. BVSC cho rằng, dù có thể chịu sức ép giảm giá theo CNY nhưng NHNN sẽ có các giải pháp điều hành, không để VND giảm giá quá sâu (trên 3%) nhằm tránh rủi ro bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ.
Với mức biến động tỷ giá không đáng kể thì so với kênh gửi tiết kiệm hiện nay, người nắm giữ VND hoàn toàn có lợi hơn. Bởi theo thống kê, lạm phát hiện nay đang được kiểm soát ở mức khá tốt, hết năm 2019 hoàn toàn giữ được ở mức dưới 4%, trong khi với lãi suất tiền gửi VND bình quân các kỳ hạn từ 6 - 8%/năm.
TS Võ Trí Thành, nguyên Viện phó Viện Quản lý kinh tế T.Ư, đánh giá thêm việc điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt tỷ giá trong bối cảnh hiện nay phải hết sức thận trọng. Fed hạ lãi suất, ngân hàng cung tiền ra nhiều hơn, USD hạ giá, nếu VND không hạ thì bất lợi cho xuất khẩu. Tuy nhiên, VN cũng đang nhập siêu rất lớn. Điều đáng lo hơn cả là việc Mỹ đưa VN vào danh sách theo dõi do có thâm hụt thương mại lớn, nếu phá giá VND mạnh có thể bị xếp vào quốc gia thao túng tiền tệ. Lợi bất cập hại, nên việc giữ ổn định cho vĩ mô, kiểm soát lạm phát, theo ông Thành vẫn là rất quan trọng, và phải ưu tiên.
Anh Vũ