Vietstock - 2024 - Năm của những điểm rơi
Chuyên gia nhận định giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế đã đi qua, 2024 sẽ là thời điểm đón nhận những điểm rơi của các quyết sách.
Sáng ngày 09/01, diễn đàn kinh tế vĩ mô năm 2024 với chủ đề "Kinh tế Việt Nam vượt những cơn gió ngược" do Đại học Ngân hàng TPHCM tổ chức với sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế nổi tiếng.
Theo GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế TPHCM, nền kinh tế Việt Nam 2023 trải qua những giải pháp vĩ mô để chống dịch COVID-19 của năm trước đó, chứng kiến tổng cầu nền kinh tế sụt giảm mạnh nhất trong vòng 35 năm qua. Với năm 2024, vị chuyên gia kỳ vọng về một giam màu tươi sáng hơn.
Cụ thể, ông Bảo đưa ra 5 điểm chính trong báo cáo số liệu thống kê về triển vọng kinh tế Việt Nam cũng như TPHCM.
Thứ nhất, xu hướng lạm phát của thế giới sẽ giảm xuống, sức ép của việc tăng giá lên chính sách tiền tệ sẽ giảm đi, mặt bằng giá cả rõ ràng đã giảm xuống từ đỉnh năm 2022, tạo ra nhiều dư địa cho các chính sách hỗ trợ hơn.
Thứ hai, tổng cầu của nền kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ hồi phục tốt hơn trong năm 2024 do hàng tồn kho của các nước Mỹ cũng như châu Âu đã đạt đỉnh vào cuối quý 2/2023 và đang giảm dần, khi đó cần phải tăng tồn kho và mở ra cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam.
Chuyên gia Nguyễn Khắc Quốc Bảo phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: BTC
|
Bổ sung thêm, ông Bảo cho rằng giai đoạn cuối năm 2023 và đầu 2024 có thể nói là điểm rơi của các quyết định thay đổi chi tiêu. Qua thống kê, cứ khoảng 2.5 năm người ta sẽ thay đổi điện thoại cá nhân, với tính chu kỳ lặp lại đó, đây là lúc mọi người có thể sẽ móc hầu bao cho những chi tiêu như vậy.
Ngoài ra, dù vẫn còn xa so với đỉnh của những năm trước dịch COVID-19, dư địa tăng trưởng của du lịch sẽ rất tốt nếu có những chương trình kêu gọi, mở ra sự hồi phục cho nhu cầu nội địa rất cao.
Điểm thứ ba ông Bảo đề cập đến là đầu tư công. Trong năm 2023, các chương trình đẩy vốn đầu tư công ra nền kinh tế đã được Chính phủ và các bộ ngành thực hiện rất quyết liệt, mặc dù có một số khó khăn liên quan đến pháp lý, trách nhiệm,… bằng cách nào đó vốn vẫn được “đẩy” ra.
Tác dụng tích cực của đầu tư công có thể chưa thể thấy ngay trước mắt do chính sách cần có độ trễ để lan tỏa lên tổng cầu và tổng đầu tư của nền kinh tế, do đó năm 2024 được hy vọng sẽ là điểm rơi của những độ trễ đó.
Thứ tư, dư địa cho việc mở rộng chính sách tiền tệ vẫn còn rất nhiều. Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã giảm lãi suất 4 lần trong khi lãi suất thế giới tăng, đó cũng là một thành công lớn trong điều hành chính sách tiền tệ bởi vì cùng lúc phải giải quyết hai vấn đề lớn.
“Chúng ta phải xử lý chênh lệch giữa mặt bằng lãi suất trong nước và thế giới, chúng ta phải trả giá bằng bộ đệm tỷ giá, NHNN đã làm được điều đó vì vậy dư địa chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được nới lỏng, lãi suất sẽ tiếp tục giảm hoặc ít ra lãi suất tiền đồng sẽ không tiếp tục tăng, là một thông điệp rất quan trọng cho người tiêu dùng, nhà đầu tư và cho các quyết định của năm 2024”, ông Bảo chia sẻ.
Thứ năm, các chính sách và những quyết định vừa qua rất quyết liệt, việc giải quyết nợ xấu, gỡ “trái bom” trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và những quyết liệt về tháo gỡ thị trường bất động sản khiến dòng tiền quay trở lại.
“Các nhà hoạch định chính sách thì làm công việc của mình, các công ty môi giới, bất động sản làm việc của họ. Tất cả mọi người đều 'thổi vào tai' của nhà đầu tư một điều rằng thị trường bất động sản sẽ hồi phục, dòng tiền sẽ trở lại”,ông Bảo phát biểu.
Cuối cùng, ông Bảo kết luận, thị trường bất động sản vẫn là “hàn thử biểu” rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.
Tử Kính