Vietstock - Đường sắt khó thu hút vốn tư nhân
Ngành hàng không và đường bộ đã chứng kiến sự hấp dẫn với các nhà đầu tư tư nhân trong khi ngành đường sắt vẫn chưa thôi... xình xịch và khó thu hút nguồn vốn đầu tư bên ngoài.
Trao đổi với chúng tôi, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết từ năm 2014, Bộ Giao thông - Vận tải đã phê duyệt đề án “Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường sắt”, với mục tiêu huy động tối đa và hiệu quả mọi nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt.
Theo đó, nhà nước tập trung đầu tư xây dựng các hạng mục kết cấu hạ tầng đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, còn các hạng mục khác như: nhà ga, kho ga, ke ga, bãi hàng, các khu dịch vụ hỗ trợ khác sẽ huy động xã hội hóa để đầu tư và kinh doanh, khai thác...
Một trong những điểm đáng chú ý của đề án là thí điểm nhượng quyền quản lý khai thác kinh doanh 13 tuyến, đoạn tuyến đường sắt, tiến tới nhượng quyền kinh doanh, khai thác kết cấu hạ tầng toàn tuyến.
Tuy nhiên, theo ông Đông, số lượng nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào đường sắt không nhiều, trong đó có những nhà đầu tư không có động thái gì sau đề nghị ban đầu.
Trong thực tế, sau khi Bộ Giao thông - Vận tải ban hành đề án, một số nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào các bãi hàng như Công ty CP giao nhận & vận chuyển Indo Trần đầu tư trung tâm logistics ở ga Yên Viên (Hà Nội), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đầu tư cảng cạn ở ga Sóng Thần (Bình Dương) và Đông Anh (Hà Nội).
Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc quan tâm đầu tư đoạn đường sắt từ Yên Viên đi Lào Cai, theo phương án nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư rồi chia sẻ phần giá trị tăng thêm khi năng lực chạy tàu tăng, doanh thu tăng. Bộ Giao thông - Vận tải đã trình Chính phủ quyết định phương án mà Lotte đề xuất...
Ngoài ra, một số tập đoàn lớn trong nước từng bày tỏ mong muốn đầu tư vào nhà ga Hà Nội và Sài Gòn, đầu tư đoàn tàu để khai thác trên một số hành trình nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh nào.
Với đầu tư đường sắt kết nối với cảng biển và khu công nghiệp, ông Đông cho biết mới chỉ có Công ty CP xi măng Công Thanh đề nghị đầu tư đoạn đường kết nối đường sắt Thống Nhất từ ga Khoa Trường (Thanh Hóa) đến nhà máy xi măng của doanh nghiệp này.
Còn dự án đường sắt vào cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư xã hội hóa nhưng chưa có nhà đầu tư nào quan tâm vì vốn lớn quá (hơn 1,55 tỉ USD cho giai đoạn 1, không có khả năng huy động vốn đầu tư).
“Chủ trương của Bộ Giao thông - Vận tải luôn hoan nghênh đầu tư xã hội hóa vào đường sắt. Nhưng trở ngại lớn nhất là nhà đầu tư thu hồi vốn bằng cái gì? Đầu tư BOT không áp dụng cho đường sắt được vì vốn đầu tư quá lớn, gấp mấy lần đường bộ trên 1km nên thu hồi vốn lâu, điểm hòa vốn không có. Trên thế giới chỉ có mấy hình thức đầu tư đường sắt là nhà nước đầu tư rồi khai thác, nhà đầu tư làm rồi nhà nước thuê lại để khai thác, nhà đầu tư đầu tư các kho bãi hàng hóa” - ông Đông cho biết.
TS TRẦN QUANG THẮNG (viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM): Thu hút vốn vào đường sắt bằng hình thức đối tác công - tư Để phát triển lĩnh vực vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt, chúng ta nên mở hướng đối tác công - tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không dám đầu tư vào đường sắt vì hệ thống của chúng ta đã bắt đầu lạc hậu, ít tu sửa, hiệu quả vận chuyển chưa cao, phương thức quản lý lỗi thời, đặc biệt là chậm thu hồi... Để giúp ngành đường sắt chuyển mình, Nhà nước cần mạnh dạn đầu tư đổi mới hệ thống, hình thức quản lý. Bản thân ngành đường sắt tăng cường hợp tác cùng các DN nâng cao cơ sở hạ tầng. Nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh miền Tây bày tỏ nguyện vọng có một tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Tây đi TP.HCM và ngược lại để vận chuyển sản phẩm. Chúng ta nên thực hiện thí điểm để xem kết quả, sau đó mở rộng đầu tư phát huy toàn bộ tiềm lực của ngành đường sắt, vốn đã “ngủ quên” bấy lâu nay. |