Vietstock - Vẫn giữ nhiều ưu đãi cho ngành đường sắt
Luật Đường sắt (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua vào chiều 16-6 với nhiều chính sách ưu đãi cho ngành đường sắt, dù trước đó đã có nhiều ý kiến cho rằng cần bỏ ưu đãi để tăng cạnh tranh cho loại hình giao thông khác.
(C) SGTO
Quốc hội đã thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi) với nhiều ưu đãi cho ngành này. Ảnh: Vân Ly
|
Đã có 397/403 đại biểu biểu quyết tán thành (gần 81%) thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi).
Trước khi luật được bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi).
Theo đó, ông Dũng cho biết, về ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt (Điều 6): “Có ý kiến của đại biểu đề nghị bỏ ưu đãi về thuế thu nhập đối với doanh nghiệp kinh doanh trong hoạt động đường sắt, vì như vậy có thể tạo sự bất bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Nhưng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do đường sắt là một lĩnh vực rất đặc thù, đầu tư rất lớn, việc thu hồi vốn rất chậm, vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung ưu đãi để tạo đột phá về các nguồn lực đầu tư, thu hút các doanh nghiệp tập trung nguồn lực phát triển đường sắt, bởi rất nhiều nước cũng có chính sách tương tự.
Ông Dũng cho biết, một số ý kiến đề nghị cần có các ưu đãi hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống đường sắt chuyên dùng, không kết nối với đường sắt quốc gia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến này, các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng đường sắt chuyên dùng đều được hưởng ưu đãi về sử dụng đất.
“Có ý kiến đề nghị cần bổ sung các ưu đãi về thuế nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển đường sắt”, ông Dũng nói.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của đại biểu và kế thừa có mở rộng nội dung ưu đãi quy định tại điểm c khoản 3 Điều 18 Luật Đường sắt 2005. Theo đó, luật sửa đổi đã quy định có ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với vật tư, máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông đường sắt mà trong nước chưa sản xuất được.
Có đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ điều kiện kinh doanh đường sắt trong dự thảo luật. Nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình như sau: "Các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định trong dự thảo luật phù hợp với danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định trong Luật Đầu tư 2014".
Căn cứ Luật Đầu tư 2014 và kế thừa Luật Đường sắt 2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giao Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh đường sắt. Nội dung này đã được thể hiện trong dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đường sắt (sửa đổi) kèm theo.
Về giá, phí trong kinh doanh đường sắt, có ý kiến đề nghị cần phải hướng tới để đưa ngành đường sắt theo cơ chế thị trường chính là chuyển cơ chế từ phí sang giá.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với ý kiến này, nhưng việc chuyển từ cơ chế phí sang giá cần phải có thời gian. Hiện nay ở nước ta, ngành này còn rất lạc hậu, chi phí vận hành đường sắt rất cao là nguyên nhân chính làm suy giảm năng lực cạnh tranh dịch vụ vận tải đường sắt so với các phương thức vận tải khác. Nhà nước đang áp dụng cơ chế phí từ doanh thu vận tải đường sắt khi sử dụng hạch toán đường sắt do Nhà nước đầu tư.
Việc chuyển từ cơ chế phí sang cơ chế giá để thu hút đầu tư kinh doanh thông qua các phương thức cho thuê hoặc chuyển nhượng quyền khai thác đường sắt. Bên cạnh đó, vẫn cần áp dụng cơ chế phí như hiện nay để duy trì ổn định hoạt động, tránh có những tác động tiêu cực không cần thiết cho ngành đường sắt; đồng thời định hướng mở cho các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư, kinh doanh đường sắt theo cơ chế thị trường.
Do vậy, dự thảo luật đã đưa ra 2 cơ chế phí và giá là phù hợp với thực trạng của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt hiện nay và cả trong một số năm sắp tới. Khi điều kiện cho phép sẽ chuyển hoàn toàn sang giá.
Về đường sắt tốc độ cao, có ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải thiết kế riêng một chương mà đưa những nội dung của chương này bổ sung hoặc ghép với các điều trong một số chương khác thì vẫn thể hiện được yêu cầu của Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16-1-2012 và có cơ sở pháp lý để sau này Chính phủ chuẩn bị dự án đầu tư, xây dựng đường sắt tốc độ cao.
Ông Dũng cho hay: “Trong dự thảo luật từ Chương I đến Chương VI quy định áp dụng cho tất cả các loại hình đường sắt, trong đó có đường sắt tốc độ cao. Chương VIII về đường sắt tốc độ cao quy định những nội dung đặc thù riêng khác với loại hình đường sắt thông thường. Vì đường sắt tốc độ cao là loại hình đường sắt tiên tiến, hiện đại, đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, an toàn nghiêm ngặt. Vì vậy, cần có một chương riêng quy định về đường sắt tốc độ cao”.