🥇 Quy tắc đầu tư hàng đầu là gì? Bạn biết khi nào có thể tiết kiệm! InvestingPro giảm tới 55% trước ngày THỨ SÁU ĐENNHẬN ƯU ĐÃI

Thuế môi trường và gót chân Achilles của ngân sách

Ngày đăng 14:50 08/06/2017
Thuế môi trường và gót chân Achilles của ngân sách

Vietstock - Thuế môi trường và gót chân Achilles của ngân sách

Cho mãi đến hôm nay, những tranh luận liên quan đến việc Bộ Tài chính đề xuất tăng khung thuế môi trường cho xăng từ 1.000-4.000 lên 3.000-8.000 đồng/lít (trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường) vẫn là vấn đề thời sự trên nhiều mặt báo. Không chỉ bởi nó đụng trực tiếp, rất lớn đến đồng tiền mồ hôi nước mắt trong túi người dân, doanh nghiệp, mà còn vì liên quan đến những vấn đề thời sự nóng khác về môi trường xảy ra trong dịp Ngày Môi trường thế giới 5-6 và liên quan đến chuyện nợ công, thâm hụt ngân sách đang được Quốc hội thảo luận.

Khi Bộ Tài chính công bố tổng mức chi cho các hoạt động bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016 là 131.857 tỉ đồng, trong khi mức thuế môi trường thu được là 105.985 tỉ đồng, nhiều người ngạc nhiên và tò mò. Bởi lẽ, một trong những lập luận không đồng tình với đề xuất tăng khung thuế môi trường cho xăng là thu nhiều nhưng không biết bộ đã chi cho việc gì, bao nhiêu... để bảo vệ môi trường. Nhưng thực ra không có gì đáng ngạc nhiên cả, vì con số chi này bao gồm cả các khoản chi “góp phần” bảo vệ môi trường, như... chi cho đầu tư tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, điều mà chuyên gia kinh tế Bùi Trinh bình luận trên báo điện tử Giaoduc.net là “Vô lý đến mức buồn cười”.

Có thể tạm hiểu lý lẽ của Bộ Tài chính là đầu tư đường sắt trên cao sẽ giúp giảm phương tiện cá nhân di chuyển, qua đó giảm tác động từ khí thải do phương tiện cá nhân gây ra. Song, đó chỉ là dưới góc độ lý thuyết, bởi trên thực tế, dự án này bị chậm tiến độ nhiều năm, đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động, mà kể cả đi vào hoạt động rồi thì cũng chưa biết ngay được nó sẽ thu hút bao nhiêu khách, hay là cũng “ế” giống như xe buýt nhanh hiện nay.

Đó là chưa nói đến việc để xây tuyến đường sắt trên cao này, Hà Nội đã chặt rất nhiều cây xanh, hiệu quả bảo vệ môi trường hay hậu quả phá hoại môi trường của nó vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Thực ra, nếu thật lòng muốn bảo vệ môi trường, có thể có nhiều cách chưa cần phải dùng đến tiền thuế của người dân nhiều đến như vậy. Nếu chính sách phát triển công nghiệp của Nhà nước có tầm nhìn vì sự phát triển bền vững hơn, thay vì tăng trưởng trước mắt, Nhà nước không cấp phép cho những dự án sản xuất thép, nhiệt điện, xi măng có công nghệ lạc hậu, gây ra những khủng hoảng ô nhiễm môi trường như hiện nay. Nhà nước cũng không cấp phép cho những dự án kinh doanh du lịch gọi là... sinh thái nhưng lại phá hệ sinh thái rừng, núi, động vật quý hiếm... từ đó gây tác động tiêu cực đến thời tiết. Khi quyết định làm một con đường, cây cầu, Nhà nước cân nhắc sao cho ít phải chặt cây xanh nhất. Vấn đề là sự lựa chọn!

Hiện nay, không còn nhiều thời gian cho việc lựa chọn này nữa. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, lượng khí thải CO2 và hiệu ứng nhà kính (GHG) cho một đơn vị giá trị gia tăng của Việt Nam đang ở nhóm nước hàng đầu trên thế giới và có xu hướng tăng lên. Điều xấu này chỉ một phần do xe máy, ô tô, còn một phần lớn là do nhóm ngành chế biến, chế tạo, đặc biệt là sản xuất thép, nhiệt điện.

2. Vừa rồi, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút ra khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, báo chí trong nước trích dẫn phản ứng thất vọng của nhiều nước trên thế giới. Đó là thái độ đúng đối với một hiệp định - vấn đề quan trọng mang tính toàn cầu mà Việt Nam cũng là thành viên. Nhưng trong khi làm việc đó, hãy ghé ánh nhìn gần hơn, vào đợt nắng nóng lịch sử vừa mới kết thúc ở Hà Nội.

Hiện tượng thời tiết cực đoan này có liên quan gì đến tình trạng chặt phá cây xanh trong thời gian qua? Tương lai nền nhiệt độ sẽ như thế nào khi tình trạng đó sẽ tiếp tục diễn ra? Gần như đồng thời với các tin tức về việc người dân phải khổ sở như thế nào với nắng nóng, báo chí đưa tin: Nằm trong dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long, 1.300 cây xanh nằm hai bên đường Phạm Văn Đồng từ chân cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long sẽ bị chặt, di dời, trong đó có hơn 1.000 cây bị chặt. Dù trong cuộc họp ngày 7-6, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội giải thích đây mới là đề xuất của chủ đầu tư, “bất khả kháng mới chặt hạ” thì lời giải thích này vẫn chưa làm yên lòng dư luận.

Hay hãy phóng tầm nhìn từ Hà Nội tới Thái Bình - địa phương vừa lên kế hoạch phá 150 héc ta rừng ngập mặn có tác dụng phòng hộ ở huyện Thái Thụy để làm khu công nghiệp. Báo Thanh Niên Online ngày 31-5 trích dẫn lời một người dân tại đây bất bình: “Mới đầu tháng 2, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường còn về đây trồng rừng và kêu gọi người dân trồng rừng bảo vệ đất ngập mặn và bảo tồn sinh thái nhưng cuối tháng thì họ bàn việc phá rừng”. Đó hẳn nhiên cũng là một nghịch lý.

Ở nước mình, biết bao nghịch lý khác đã và đang diễn ra. Trước đây, khi muốn phá rừng nguyên sinh, các nhóm lợi ích trấn an rằng không sao, họ sẽ trồng rừng. Giờ thì, lập luận cho quyết định phá 150 héc ta rừng do dân trồng nói trên, Thái Bình trấn an đó không phải là rừng nguyên sinh và sẽ trồng lại ở chỗ khác. “Một đời người, một rừng cây”, mà ông Trời thì đâu có chờ mình trồng rồi chờ tiếp cây lớn!

3. Quay lại câu chuyện tăng khung thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3-6-2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nói thẳng “Đây là khoản thu làm tăng thu ngân sách nhà nước, khi thu khoản này giúp cơ cấu lại thu ngân sách, trong bối cảnh thuế nhập khẩu xăng, dầu về 0%”.

Luật Ngân sách Nhà nước quy định các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. Mới đây, Bộ Tài chính đã căn cứ vào đó giải thích rằng “kinh phí ngân sách nhà nước bố trí cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường có thể bằng hoặc thấp hơn so với số thu thuế bảo vệ môi trường”.

Thì đã rõ vì sao Bộ Tài chính đeo đuổi quyết liệt mục tiêu tăng thuế môi trường đối với xăng, dầu. Bộ đã “so bó đũa, chọn cột cờ” - xăng, dầu được chọn làm đối tượng để cơ cấu lại nguồn thu ngân sách đang bị giảm sút. Được chọn vì nguồn thu từ xăng dầu đang lớn nhất, lại dễ thu, gần như đổ đồng trên đầu dân chúng (tạo cảm giác công bằng giả tạo) so với các đối tượng khác cùng chịu sự điều chỉnh của sắc thuế này như than đá hay túi nylon.

Giả sử đề xuất tăng thu này của Bộ Tài chính được Quốc hội thông qua thì bài toán cơ cấu lại nguồn thu của bộ cũng chỉ là giải pháp tình thế giật gấu vá vai. Không chỉ thuế nhập khẩu xăng, dầu giảm về mức 0%, cùng với việc ký kết và có hiệu lực của nhiều hiệp định thương mại tự do, nguồn thu từ thuế nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng sẽ giảm về mức này theo lộ trình. Lúc đó, chẳng lẽ tăng thuế môi trường tiếp với xăng, dầu; hay đối tượng nào khác sẽ bị chọn hy sinh để bù đắp?

Bài toán cơ cấu lại thu ngân sách phải là bài toán tổng thể. Nếu nguồn thu giảm thì phải tìm cách thay thế, từ thuế là chủ yếu, không có cách nào khác. Đã đến lúc đi tìm nguồn thu mới, hiệu quả, công bằng, khả thi, theo thông lệ quốc tế. Mới đây (ngày 3-6-2017), Nghị quyết Trung ương 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng đã đặt ra yêu cầu “nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về thuế sử dụng tài sản, nhất là về sử dụng đất đai”. Hay chống thất thu thuế một cách có hiệu quả trong những lĩnh vực, từ những đối tượng mà mắt thường cũng có thể thấy được cũng như những lĩnh vực mới phát sinh.

Nhưng trước hết, Bộ Tài chính và Chính phủ phải chứng tỏ mình là một tay hòm chìa khóa chi tiêu có trách nhiệm.

Hiện nay, về tổng thể, thu ngân sách năm sau đều tăng hơn năm trước. Vấn đề là tốc độ tăng thu không theo kịp tốc độ tăng chi. Nói nôm na thu ngân sách giảm là nói trong mối tương quan với nhiệm vụ chi. Tỷ lệ chi thường xuyên cho bộ máy đang chiếm tỷ trọng quá cao trong chi ngân sách, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chi cho đầu tư phát triển để có tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Vậy mà sau bao năm hô hào giảm biên chế, giảm chi phí hành chính, bộ máy hầu như vẫn như vậy với mức tiêu xài có khi còn hơn. Vậy mà, trong nguồn chi ít ỏi cho đầu tư phát triển, Kiểm toán Nhà nước phát hiện còn chi sai, chi không hợp lý, đồng nghĩa với lãng phí, thất thoát... Gót chân Achilles của ngân sách nằm ở chỗ chi chứ không phải là thu. Thâm hụt ngân sách, nợ công tăng cao cũng từ đây.

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.