EU và Hoa Kỳ sắp đạt được thỏa thuận thương mại với mức thuế 15% – theo FT
Invetsing.com -- Chiến lược kinh tế của cựu Tổng thống Donald Trump dựa trên ba trụ cột chính: áp thuế quan, cắt giảm chi tiêu và giảm thuế, được xem là nền tảng để hiện thực hóa khẩu hiệu "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại". Tuy nhiên, trụ cột thuế quan – vốn đóng vai trò then chốt – đang gặp trở ngại pháp lý khi Tòa án Thương mại Quốc tế (CIT) tại Manhattan ngày 28/5 ra phán quyết cho rằng ông Trump đã vượt quá thẩm quyền khi áp thuế nhập khẩu dựa trên Đạo luật Quyền Kinh tế Khẩn cấp (IEEPA).
Các mức thuế bị chặn liên quan đến nhiều đối tượng, bao gồm cả Mexico, Canada và Trung Quốc, với lý do ban đầu là vấn đề nhập cư và cuộc khủng hoảng fentanyl. Chính quyền Trump ngay lập tức nộp đơn kháng cáo và tuyên bố sẵn sàng đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao. Tạm thời, Tòa phúc thẩm Liên bang khu vực Washington đã hoãn thi hành phán quyết và yêu cầu các bên đệ trình lập luận trước ngày 9/6, tạo thêm thời gian để xử lý.
CNN nhận định rằng việc thuế quan bị tòa án thách thức có thể khiến toàn bộ chương trình nghị sự kinh tế của ông Trump đối mặt với nguy cơ đổ vỡ. Nếu một trụ cột sụp đổ, "chiếc kiềng ba chân" của chính sách kinh tế sẽ không còn vững vàng.
Một trong những hệ quả trước mắt là tiến trình đàm phán thương mại của Mỹ với các quốc gia khác có thể bị gián đoạn hoặc trì hoãn. Cho đến nay, Washington mới chỉ đạt được khuôn khổ thỏa thuận sơ bộ với Anh và Trung Quốc, trong khi thời hạn tạm ngưng áp thuế trả đũa sắp hết.
Một số chuyên gia như Aniket Shah từ ngân hàng Jefferies cho rằng đối tác thương mại của Mỹ đã phần nào dự đoán được khả năng này và đang lựa chọn "án binh bất động" chờ diễn biến tiếp theo. Phán quyết cũng được đánh giá sẽ làm chậm nỗ lực đạt các thỏa thuận thương mại mới với những đối tác chủ chốt như Nhật Bản, Ấn Độ và Liên minh châu Âu. Một số nhà ngoại giao thì thừa nhận rằng tác động pháp lý có thể bị đánh giá thấp, trong khi một cựu quan chức thẳng thắn gọi đây là cú giáng vào chiến lược thương mại của ông Trump đúng vào thời điểm then chốt.
Không chỉ gây trở ngại cho đàm phán đối ngoại, phán quyết còn đe dọa nguồn thu ngân sách quan trọng mà chính quyền Trump trông cậy để bù đắp cho kế hoạch giảm thuế quy mô lớn.
Dự luật thuế và chi tiêu trị giá 4.500 tỷ USD mới được Hạ viện Mỹ thông qua bao gồm cả gói giảm thuế sâu và tăng chi ngân sách thêm 350 tỷ USD, với một phần dành cho dự án phòng thủ "Vòm Vàng". Mặc dù dự luật được coi là bước tiến lớn, nhưng nó bị chỉ trích bởi những người như Elon Musk, người cho rằng nó khiến nợ công phình to và cản trở nỗ lực thắt chặt chi tiêu của Ban hiệu suất chính phủ (DOGE). Trong bối cảnh đó, thuế quan – vốn mang lại khoảng 150 tỷ USD mỗi năm – được kỳ vọng sẽ giúp giảm áp lực ngân sách.
Tuy nhiên, nếu rủi ro pháp lý không được giải quyết, chính quyền Trump có thể buộc phải điều chỉnh kế hoạch ngân sách, hoặc bằng cách cắt giảm sâu hơn chi tiêu, hoặc thu hẹp quy mô cắt giảm thuế để thuyết phục Thượng viện thông qua.
Dù vậy, các cố vấn Nhà Trắng vẫn giữ sự lạc quan.
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Kevin Hassett tuyên bố chính quyền tin tưởng sẽ thắng kiện nên chưa tính đến phương án dự phòng. Tuy nhiên, nếu cần, ông cho biết vẫn còn nhiều lựa chọn thay thế. Một trong số đó là áp dụng Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại, cho phép tổng thống áp thuế vì lý do an ninh quốc gia – cơ sở pháp lý mà ông Trump từng sử dụng để áp thuế 25% lên thép, nhôm và đe dọa thuế lên nhiều mặt hàng khác.
Ngoài ra, chính quyền có thể sử dụng Mục 122 hoặc 301, tuy có phạm vi hạn chế hơn, nhưng vẫn tạo điều kiện để tổng thống hành động đơn phương sau khi tiến hành điều tra thương mại. Các chuyên gia như Alec Phillips từ Goldman Sachs (NYSE:GS) và Keith Lerner từ Truist Advisory Services đều cho rằng các lựa chọn pháp lý này đủ linh hoạt để chính quyền tiếp tục duy trì chính sách thuế, dù mất thêm thời gian và thủ tục.
Với cộng đồng doanh nghiệp, tình hình vẫn không rõ ràng. Việc CIT ra phán quyết nhưng Tòa phúc thẩm tạm hoãn thi hành khiến các công ty và người tiêu dùng rơi vào trạng thái chờ đợi, thiếu chắc chắn về định hướng chính sách.
Chuyên gia ngân sách Ernie Tedeschi từ Đại học Yale đánh giá rằng trong khi Nhà Trắng vẫn có thể tìm cách áp thuế theo hướng khác, doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ sẽ tiếp tục đối mặt với bất ổn về chi phí, giá cả và kế hoạch đầu tư. Gary Clyde Hufbauer – chuyên gia tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson – thậm chí còn so sánh tình trạng hiện nay với trò chơi "đập chuột", khi mà rắc rối cứ liên tục phát sinh từ mọi phía và chưa có dấu hiệu dừng lại.