Vietstock - Thứ trưởng Bộ Công Thương: Luật Điện lực sẽ sửa đổi toàn diện
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần thứ 5 năm 2024 vào chiều ngày 25/09, ông Trương Thanh Hoài - Thứ trưởng Bộ Công Thương – cho biết Luật Điện lực hiện tại đang được sửa đổi toàn diện, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tại diễn đàn, Tiến sĩ Trần Du Lịch – điều phối chương trình – đã đề cập đến câu chuyện cam kết Net zero 2050 của Việt Nam tại COP26, và mong được làm rõ việc triển khai cũng như lộ trình thực hiện tại từng địa phương.
Trả lời, ông Trương Thanh Hoài nhận định Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt về vấn đề chuyển dịch năng lượng. Từ Quy hoạch điện 8 (QHĐ8) được thông qua vào tháng 5/2023, trên tinh thần đối với nhiệt điện than thì không đầu tư các dự án mới, tiến tới giảm dần, nếu các dự án đang hoạt động thì phải cải tạo đưa lên hiệu suất cao hơn. Đồng thời, giảm tối đa phát thải.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài
|
Bên cạnh đó, QHĐ8 xác định nguồn điện thay thế ít phát thải hơn như từ khí thiên nhiên hóa lỏng, các nguồn điện mặt trời, năng lượng tái tạo, các nguồn điện gió trên bờ và ngoài khơi.
“Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay chúng tôi cũng đang sửa toàn diện Luật Điện lực” – trích lời Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Theo Thứ trưởng, Luật Điện lực được xây dựng theo hướng nhằm thu hút được tất cả các nguồn lực xã hội trong việc phát triển nguồn điện. Thứ nhất là cung cấp đủ năng lượng. Thứ hai là góp vào việc chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, giảm phát thải.
“Trong thời gian vừa qua, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi đã ban hành các cơ chế như cơ chế mua bán điện trực tiếp để cho các người dân và doanh nghiệp nếu có các điều kiện và các địa phương nếu có điều kiện để đầu tư thì có thể bán thẳng các nguồn điện tự sản xuất ngay cho các doanh nghiệp có nhu cầu.
Bên cạnh đó, một chính sách cũng rất quan trọng, trong thời gian rất ngắn thì Thủ tướng cũng sẽ ký ban hành chính sách phát triển điện mặt trời, mái nhà và việc tự sản xuất tự tiêu thụ cũng sẽ được khuyến khích để phát triển” – ông Hoài tiếp lời.
Ông cho hay, với cơ chế mới, người dân và các doanh nghiệp khi đầu tư các hệ thống điện mặt trời và mái nhà trong trường hợp có lượng điện dư thì sẽ được bán lên lưới điện quốc gia. Quan trọng nhất, đây là giai đoạn khởi đầu nên mức độ và tỷ lệ bán lên lưới điện quốc gia sẽ khống chế ở một mức độ nhất định để đảm bảo tính vận hành ổn định của hệ thống điện quốc gia.
“Thêm nữa, trong Luật Điện lực sửa đổi lần này, chúng tôi cũng nhấn mạnh, bên cạnh thị trường phát triển cạnh tranh mà Việt Nam hiện nay đã triển khai thì chúng tôi sẽ triển khai tiếp cấp độ ở thị trường bán buôn cạnh tranh. Tức là có thể các nhà sản xuất và các hộ sản xuất điện có nguồn sản xuất điện tự sản xuất theo quy định được quyền bán vào thị trường chung, thị trường bán điện cạnh tranh. Và tất nhiên, trên cơ sở đảm bảo ổn định của hệ thống điện quốc gia. Chúng tôi cũng đẩy mạnh việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện gió và điện năng lượng tái tạo.
Trong Luật Điện lực sửa đổi sắp tới đây, chúng tôi sẽ có những chính sách ưu đãi và hỗ trợ, đặc biệt là chính sách điện gió ngoài khơi có những chính sách đột phá theo như Nghị quyết 55 để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đảm bảo cái mục tiêu net zero 2050”.
Hải Âu