Vietstock - Thi công đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột: Cấp mỏ tréo ngoe, gây lãng phí
Việc cấp mỏ đá bất hợp lý khiến chi phí vận chuyển nguyên vật liệu thi công đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột tăng cao.
Mỏ đá được quy hoạch phục vụ thi công đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột nằm sát dự án (DA) nhưng chưa được khai thác, trong khi cấp mỏ đặc thù cách xa làm tăng chi phí vận chuyển và nguy cơ lãng phí tài nguyên.
Cấp mỏ xa, lãng phí mỏ gần
Dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 21.935 tỉ đồng, được chia làm 3 DA thành phần. Trong đó, DA thành phần 3 do Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn (gọi tắt là Ban QLDA) tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư, Công ty CP Tư vấn Xây dựng giao thông Hà Nội là đơn vị tư vấn giám sát.
Theo tìm hiểu, đến nay UBND tỉnh Đắk Lắk đã cấp 7 giấy xác nhận theo cơ chế đặc thù các mỏ vật liệu xây dựng cho DA thành phần 2 và 3 của tuyến cao tốc. Theo đó, cấp cho Công ty CP Xây dựng Tân Nam mỏ đá tại thôn 10 (xã Cư Yang, huyện Ea Kar). Dù cấp mỏ đặc thù để phục vụ thi công cho chính gói thầu của công ty này nhưng khoảng cách từ mỏ đá đến công trường khoảng 45 km, tiêu tốn hàng chục tỉ đồng chi phí vận chuyển. Trong khi đó, mỏ đá tại xã Hòa Tiến (huyện Krông Pắk) đã được quy hoạch mỏ đặc thù phục vụ tuyến cao tốc chỉ cách công trường của Công ty CP Xây dựng Tân Nam khoảng 7 km. Bên cạnh đó, mỏ này cũng nằm ở khu vực trung tâm của gói thầu số 3, nằm sát tuyến cao tốc nhưng đến nay chưa được khai thác.
Các nhà thầu thi công đoạn ít sử dụng đá gần khu vực mỏ đá Hòa Tiến để chờ cấp mỏ gần để khai thác nhằm giảm chi phí vận chuyển
Các nhà thầu thi công đoạn ít sử dụng đá gần khu vực mỏ đá Hòa Tiến để chờ cấp mỏ gần để khai thác nhằm giảm chi phí vận chuyển
|
Theo báo cáo mới đây của Công an tỉnh Đắk Lắk, mỏ đá Hòa Tiến tại Km98+500 bên phải tuyến cao tốc đã được UBND tỉnh chấp thuận đưa mỏ đá, đất vào khảo sát vật liệu xây dựng, đã được quy hoạch đất sản xuất vật liệu xây dựng. Mỏ đá này có diện tích 13,96 ha, trữ lượng khoảng 1,85 triệu m3. Tuy nhiên, UBND tỉnh mới xác nhận diện tích hơn 3 ha (hơn 150.000 m3) cấp cho Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam. Tính toán của Công an tỉnh Đắk Lắk cho thấy cự ly vận chuyển từ mỏ đá Hòa Tiến đến một số gói thầu của dự án thành phần 3 và 2 chỉ khoảng từ 2 - 20,25 km, gần hơn nhiều so với mỏ đá đặc thù ở xã Cư Yang. Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Đắk Lắk cho biết toàn bộ mỏ đá xã Hòa Tiến đã được Ban QLDA bổ sung vào hồ sơ báo cáo kết quả khảo sát xây dựng bước thiết kế kỹ thuật để phục vụ DA thành phần 3 vào tháng 1-2024. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, đến nay mỏ đá này vẫn chưa được khai thác, kể cả 3 ha được cấp cho Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam. Trong đó, khi DA thành phần 3 đã thi công được khối lượng lớn, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu đưa 48 km của DA thành phần 3 vào sử dụng trước ngày 30-8-2025.
Thời gian qua, trước áp lực tiến độ, nhiều nhà thầu phải mua đá ở các mỏ thương mại với giá cao hơn nhiều so với mỏ đặc thù hoặc chở từ các mỏ xa tới làm tăng chi phí đầu tư. Cụ thể, đoạn do Công ty TNHH Xây dựng An Nguyên thi công cách mỏ Hòa Tiến khoảng 6,5 km nhưng phải chở đá từ mỏ thương mại cách DA 60 km. Không chỉ thiếu đá, mỏ Hòa Tiến (quy hoạch cả đất đắp) chưa được khai thác nên nhiều nhà thầu thi công cầm chừng chờ đất đắp từ mỏ này.
Đội phí vận chuyển hàng chục tỉ đồng
Theo tính toán sơ bộ của Công an tỉnh Đắk Lắk, trường hợp Công ty CP Xây dựng Tân Nam lấy đá tại mỏ được cấp ở xã Cư Yang với nhu cầu hơn 397.000 m3, cự ly 45,6 km thì chi phí vận chuyển hơn 63 tỉ đồng. Trong khi nếu lấy đá ở mỏ xã Hòa Tiến, cự ly vận chuyển 7,4 km, phí vận chuyển hơn 20 tỉ đồng, giảm hơn 43 tỉ đồng.
Công ty TNHH Xây dựng Cầu đường Hoàng Nam lấy đá ở mỏ xã Cư Yang (hơn 146.900 m3) với cự ly khoảng 50,6 km thì chi phí vận chuyển khoảng hơn 21 tỉ đồng. Trong khi công ty này lấy ở mỏ đá xã Hòa Tiến cự ly vận chuyển chỉ 2 km, chi phí vận chuyển hơn 1 tỉ đồng, giảm hơn 20 tỉ đồng. Tổng Công ty CC1 lấy đá ở xã Hòa Tiến thay vì mỏ đá Minh Sáng (mỏ đá thương mại gần đó) thì giảm chi phí hơn 317 triệu đồng. Riêng Công ty TNHH Xây dựng An Nguyên lấy đá ở Hòa Tiến thay vì mỏ đá Minh Sáng (cự ly 6,5 km thay vì 22,5 km) thì chi phí vận chuyển giảm hơn 12 tỉ đồng. "Như vậy, đối với tổng số lượng đá theo nhu cầu đăng ký của Công ty CP Xây dựng Tân Nam, Công ty TNHH Xây dựng Cầu đường Hoàng Nam, Tổng Công ty CCI và Công ty TNHH Xây dựng An Nguyên, nếu lấy đủ tại mỏ đá xã Hòa Tiến sẽ giảm cự ly vận chuyển và giảm chi phí vận chuyển, tương đương với số tiền khoảng 76 tỉ đồng" - báo cáo nêu. Cũng theo Công an tỉnh Đắk Lắk, mặc dù các nhà thầu cam kết giá vật liệu không vượt quá dự toán, song cự ly vận chuyển là yếu tố cấu thành giá nguyên vật liệu. Cự ly vận chuyển ngắn thì sẽ kéo giảm chi phí cho nhà thầu thi công và kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Điều đáng nói, thời hạn hoàn thành DA đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đã cận kề, sau khi tuyến cao tốc được đưa vào sử dụng, mỏ đá xã Hòa Tiến cách tuyến chỉ có 35 m sẽ không được khai thác do vướng quy định khoảng cách tối thiểu là 300 m). Để tránh lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia và giảm chi phí vận chuyển cho chủ đầu tư, Công an tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành, đơn vị và các nhà thầu sớm có giải pháp khai thác đá tại mỏ đá xã Hòa Tiến phục vụ tuyến cao tốc.
Do nhà thầu, Ban QLDA chưa đề xuất? Trả lời về việc vì sao đến nay chưa cấp toàn bộ diện tích mỏ Hòa Tiến làm mỏ đặc thù? Sở TN-MT tỉnh Đắk Lắk cho rằng trách nhiệm đề xuất thuộc về nhà thầu thi công và Ban QLDA. "Sở TN-MT là cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đăng ký khai thác và tham mưu UBND tỉnh cấp phép đăng ký khai thác theo cơ chế đặc thù cho nhà thầu khi có đề nghị của nhà thầu và Ban QLDA" - trích văn bản của Sở TN-MT tỉnh Đắk Lắk phản hồi câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động. |
Cao Nguyên