Vietstock - Quốc hội thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu
Với 86.35% đại biểu tán thành, sáng 21/6, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng (TCTD).
Cụ thể, đầu giờ sáng, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội ông Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Quốc hội biểu quyết thông qua Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).
Tiếp đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Phó Tổng Thư ký Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết. Theo đó, 86.35% số đại biểu có mặt tán thành. Tỷ lệ không tán thành nghị quyết này cũng khá cao, với hơn 6% tương đương với 31 đại biểu. Có 12 đại biểu không biểu quyết.
Nghị quyết này quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của TCTD (tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu).
Nghị quyết cũng quy định, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.
Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, Nghị quyết quy định phải bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống, không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Đối với khái niệm nợ xấu, Nghị quyết xác định rõ: Nợ xấu quy định tại Nghị quyết này là khoản nợ hình thành trước ngày 15/8/2017 gồm: Được xác định là nợ xấu theo quy định tại Phụ lục Về xác định nợ xấu ban hành kèm theo Nghị quyết này trước ngày 15/8/2017; được xác định là nợ xấu theo quy định tại Phụ lục Về xác định nợ xấu ban hành kèm theo Nghị quyết này trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực.
Trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi Phụ lục theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu chịu trách nhiệm xác nhận bằng văn bản khoản nợ là nợ xấu khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong quá trình xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết này.
Đối với việc mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, Nghị quyết ghi rõ: Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của TCTD, trừ TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài; được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân, bao gồm cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.
Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thỏa thuận với TCTD với giá mua bằng giá trị định giá của tổ chức định giá độc lập; xử lý, bán, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật và phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu này sau khi trừ giá mua và các chi phí xử lý.
Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu phải thống nhất với TCTD lựa chọn tổ chức định giá độc lập.
Về áp dụng pháp luật, Nghị quyết quy định: Việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được áp dụng theo quy định của Nghị quyết này. Trường hợp Nghị quyết này không có quy định thì áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trường hợp có quy định khác nhau giữa Nghị quyết này và luật khác về cùng một vấn đề về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thì quy định của Nghị quyết được áp dụng.
Ngân hàng chính sách được áp dụng các quy định tại Nghị quyết này để xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của ngân hàng chính sách.
Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội kết quả xử lý nợ xấu hằng năm; báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết tại kỳ họp đầu năm 2022 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.