Vietstock - Giải ngân đầu tư công ở TPHCM: 'Thừa tiền nhưng không tiêu được vì điểm nghẽn'
Theo các chuyên gia kinh tế, TPHCM đã và đang quyết liệt đẩy nhanh giải ngân đầu tư công nhưng hiệu quả vẫn chưa cao, nguyên nhân vì quá nhiều điểm nghẽn.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động - ông Tô Đình Tuân phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: BTC |
Sáng nay (15/8), Báo Người Lao Động (NLĐ) tổ chức Diễn đàn kinh tế 2024 với nội dung “Tháo điểm nghẽn giải ngân đầu tư công”.
Theo ông Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo NLĐ, diễn đàn được tổ chức để góp phần tìm giải pháp, tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực về đầu tư công nhằm thu hút đầu tư ngoài xã hội cho sự phát triển của TPHCM.
Đầu tư công 1 đồng, thu hút 10 đồng ngoài xã hội
Tại diễn đàn, TS Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội - khẳng định đầu tư công là 1 trong 3 trụ cột tăng trưởng kinh tế, gồm: đầu tư công, tiêu dùng và xuất khẩu. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, giải ngân đầu tư công của TPHCM khá chậm, không đạt mục tiêu đề ra.
TS Trần Du Lịch gợi mở ý kiến về giải ngân đầu tư công tại diễn đàn. Ảnh: BTC |
“Trong giải ngân đầu tư công hay có tình trạng "6 tháng đầu năm đủng đỉnh, 6 tháng cuối năm chạy đua", nên tác động không nhiều. Giải ngân càng sớm thì tác động tăng trưởng nền kinh tế càng cao” - ông Trần Du Lịch nói.
Về nguyên nhân giải ngân đầu tư công chậm, ông Trần Du Lịch cho rằng thành phố gặp quá nhiều điểm nghẽn. Các điểm nghẽn này là quy trình, thủ tục bồi thường và giải phóng mặt bằng, đấu thầu... Thậm chí, có dự án khi đã được khơi thông, triển khai thì lại vướng về công tác quy hoạch.
"Để đạt mục tiêu giải ngân 95% vào cuối năm nay, TPHCM cần hoàn thiện lại về thể chế, thủ tục, quy định. Đồng thời, thành phố phải tận dụng Nghị quyết 98 để hoàn thiện thêm các thủ tục, quy định theo cơ chế đặc thù.
Nếu nỗ lực tháo gỡ điểm nghẽn thành công, thành phố có thể trở lại giai đoạn đầu tư 1 đồng ngân sách sẽ thu hút được 10 đồng từ các nguồn lực ngoài nhà nước” - vị chuyên gia này khẳng định.
Thay đổi cách tiếp cận
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) - nhận định có tình trạng các dự án đầu tư công thừa tiền nhưng không tiêu được vì nghẽn cơ chế thủ tục, quy trình, trình tự…
Ông Nguyễn Ngọc Hòa chia sẻ quan điểm về cách tiếp cận xã hội hóa đầu tư công. Ảnh: BTC |
“Chúng ta cần mạnh dạn thay đổi cách tiếp cận, cần xã hội hóa các dự án đầu tư công để giải quyết điểm nghẽn. Nghĩa là khi có chủ trương phê duyệt dự án, thành phố cần giao cho tư nhân làm. Khi họ làm xong, nghiệm thu đạt chất lượng thì dùng tiền đầu tư công mua lại dự án đó” - ông Hòa đề xuất.
Còn theo TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, ĐH Quốc gia Hà Nội, việc TPHCM mới giải ngân 15% là quá thấp so với mặt bằng chung khoảng 30%.
Theo ông Việt, để giải quyết tình trạng này, về ngắn hạn cần tập trung vào các khía cạnh như thủ tục, cơ chế tháo gỡ, điều phối chung; giải phóng mặt bằng; các mỏ vật liệu cơ bản như đất, cát, sỏi. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng phải tháo gỡ những điểm nghẽn về nguồn vốn kết hợp…
"Về dài hạn, công tác quy hoạch nói chung, trong đó có quy hoạch về sử dụng đất, quy hoạch về giao thông cũng phải cải tiến, đồng bộ, đi trước.
Ngoài ra, thành phố phải tận dụng tốt các cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 để đầu tư cơ sở hạ tầng liên vùng, nhất là các dự án như cao tốc TPHCM - Mộc Bài (Tây Ninh) và một số đường vành đai" - ông Việt nhìn nhận.
TS Nguyễn Quốc Việt nêu ý kiến tại diễn đàn. Ảnh: BTC |
Nhiều chuyên gia khác cũng nhận xét dù TPHCM đã và đang quyết liệt đẩy nhanh giải ngân đầu tư công nhưng hiệu quả vẫn chưa cao, nguyên nhân vì quá nhiều điểm nghẽn. Những điểm nghẽn hiện nay đang vướng là cơ chế quy hoạch, phê duyệt, đấu thầu và cách thức vận hành, phối hợp không đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng và chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 98 hiện chỉ ở bước thăm dò, chưa có tháo gỡ mạnh mẽ. Vì thế, cần phân cấp phân quyền rõ ràng để TPHCM bật lên, giải quyết vấn đề này hiệu quả.
Đại diện phía ngân hàng, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TPHCM - hoạt động đầu tư công có tác động tích cực đến tín dụng và tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại với 2 phương diện.
"Thứ nhất, tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho việc triển khai thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, trong quá trình này, khi các dự án đầu tư công được thực hiện, sẽ kéo theo nhiều ngành lĩnh vực, sản xuất, thương mại và dịch vụ có liên quan phát triển, yếu tố này cũng làm gia tăng nhu cầu vốn và kích thích tăng trưởng tín dụng. Đây là tác động tích cực nhất đối với tăng trưởng tín dụng nhìn ở góc độ môi trường kinh tế - xã hội và đặt trong mối liên hệ ngân hàng - khách hàng - nền kinh tế.
Thứ hai, hoạt động đầu tư công tạo sự tuần hoàn và lưu chuyển vốn trong nền kinh tế thuận lợi. Ý nghĩa này xuất phát từ chính hiệu ứng "lan tỏa" của đầu tư công, của việc thực hiện các dự án phát triển hạ tầng, kéo theo nhiều ngành lĩnh vực có liên quan phát triển. Từ đó dòng tiền được tạo lập, chu chuyển vốn thuận lợi, là yếu tố rất quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhờ khả năng hấp thụ vốn từ nền kinh tế tăng, sản xuất - kinh doanh phát triển, dòng vốn tín dụng "chảy" đều".
Hồ Văn