Vietstock - Du lịch sẽ đóng góp 11% GDP của TPHCM
Ngành du lịch sẽ trở thành một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn hàng đầu của TPHCM với doanh thu tăng trưởng mỗi năm 15-16% và đến năm 2020 sẽ đạt đến 165.000-170.000 tỉ đồng, đóng góp trên 11% trong cơ cấu GDP của thành phố.
Khách du lịch tham quan tại khu du lịch Vàm Sác tại Cần Giờ - Ảnh: Văn Nam
|
Đây là những mục tiêu được UBND TPHCM nêu tại kế hoạch ban hành ngày 8-6 về phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố đến năm 2020.
Theo kế hoạch trên, tổng doanh thu của ngành du lịch TPHCM trong năm 2017 là 116.000 tỉ đồng, tăng 2,62% so với năm 2016, nhưng ngành du lịch sẽ phấn đấu đạt khoảng 120.000 tỉ đồng, tăng 16,5% so với năm ngoái.
Để đạt được các mục tiêu trên, ngành du lịch TPHCM cần phát triển hạ tầng đồng bộ như hạ tầng về giao thông, văn hóa, thể thao, công nghệ thông tin…
Về hạ tầng giao thông phục vụ du lịch, UBND thành phố đặt ưu tiên đầu tư nâng cấp sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, đầu tư các cầu vượt, hầm chui, quy hoạch và đầu tư các tuyến đường trên cao, bãi đậu xe ngầm, phát triển các tuyến metro, các tuyến giao thông thủy.
Thời gian gần đây, chính quyền thành phố đang tập trung phát triển thêm các sản phẩm mới như du lịch gắn với nông nghiệp, phố đông y, phố đi bộ, con đường âm nhạc, chợ phiên cuối tuần song song với chương trình kích cầu du lịch… TPHCM cũng lên kế hoạch phát triển nhiều tuyến du lịch đường thủy trên các tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu và các tuyến kênh rạch nội đô với mục tiêu trước mắt trong năm 2017 và năm 2018 khách du lịch qua đường thủy đến thành phố đạt 450.000 lượt khách/năm và tăng 15% trong những năm tiếp theo.
TPHCM sẽ đầu tư nâng chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có như tuyến đi Bình Quới (Bình Thạnh), tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Song song đó, thành phố tiếp tục đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy mới như tuyến đi quận 7, quận 5, quận 6, quận 8 thông qua các tuyến sông Sài Gòn, Rạch Bến Nghé, Kênh tẻ, Tàu Hủ - Lò Gốm.
Hiện TPHCM có 2.113 cơ sở lưu trú với khoảng 49.000 phòng (công suất khai thác hiện nay khoảng 65%) đảm bảo đón trên 7,5 triệu du khách quốc tế. Gần 1.200 doanh nghiệp hoạt động lữ hành với năng lực tiếp nhận lượng khách lớn cùng với đội ngũ hướng dẫn viên lên đến gần 5.000 người.