Vietstock - Đại lý thanh toán – lựa chọn nào cho các ngân hàng?
Với nguồn vốn điều lệ vẫn còn có những giới hạn nhất định, việc mở rộng mạng lưới nhanh không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là khi các ngân hàng vẫn ưa chuộng tập trung tại các đô thị vì kỳ vọng hiệu quả kinh doanh sẽ cao hơn. Do đó, mô hình đại lý thanh toán là lựa chọn tối ưu dành cho các ngân hàng để tăng cường sự hiện diện nhiều hơn tại khu vực nông thôn.
Sự trở lại của mô hình đại lý thanh toán
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Công ty cổ phần Thế giới Di động mới đây đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai mô hình đại lý thanh toán, theo đó VPBank đóng vai trò là bên giao đại lý, cung cấp các dịch vụ tài chính trong phạm vi hoạt động đại lý thanh toán tới khách hàng, còn Thế giới Di động sẽ đảm nhiệm vai trò là đại lý kết nối hệ thống với VPBank. Cụ thể, khách hàng có thể thực hiện các dịch vụ nộp/rút/chuyển tiền, mở tài khoản thanh toán VPBank NEO, mở thẻ tín dụng online 100% tại các cửa hàng Thế giới Di động, Điện máy Xanh như tại một chi nhánh của VPBank.
Với mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch đến hết quí 3-2024 là 287 điểm giao dịch, xếp thứ 12 trong hệ thống, việc hợp tác này mang lại cho VPBank cơ hội tận dụng mạng lưới gần 3.000 điểm bán rộng khắp của Thế giới Di động, giúp khách hàng đang sinh sống và làm việc tại những nơi không có chi nhánh, phòng giao dịch, ATM hoặc CDM của ngân hàng có khả năng tiếp cận các giao dịch tài chính một cách thuận tiện và linh hoạt nhất, theo các khung giờ hoạt động của các cửa hàng, bao gồm cả những khung giờ ngoài giờ hành chính.
Thật ra, đây không phải là thương vụ hợp tác đầu tiên giữa một tổ chức tín dụng (TCTD) và một doanh nghiệp trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính cơ bản đến khách hàng. Cách đây ba năm, Techcombank (HM:TCB) từng đưa ra định hướng hợp tác với One Mount Group, Vinmart và Vinshop nhằm cung cấp các dịch vụ tài chính cơ bản đến khách hàng qua các hệ thống siêu thị mini. Hay như trước đó nữa, vào những năm 2014-2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai thí điểm ba mô hình đại lý ngân hàng, gồm MBBank và Viettel, PGBank và Petrolimex (HM:PLX), Vietcombank (HM:VCB) và M-Service (chủ sở hữu ví điện tử MoMo).
Ngoài những lợi ích về tiết giảm chi phí mở rộng mạng lưới và gia tăng độ phủ của các kênh giao dịch, việc hợp tác với các tập đoàn bán lẻ còn có thể mang lại cơ hội cho các ngân hàng tận dụng tệp khách hàng cơ sở của chính các doanh nghiệp này, để gia tăng lượng khách hàng của mình và bán chéo thêm các sản phẩm dịch vụ khác đến các nhóm khách hàng. |
Việc triển khai các mô hình thí điểm này đã góp phần thúc đẩy dịch vụ thanh toán ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng như góp phần phổ cập tài chính nói chung. Tuy nhiên, do chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, nên từ cuối năm 2023 các mô hình này đã tạm dừng triển khai. Dù vậy, với những lợi ích thiết thực như có thể gia tăng lượng khách hàng mà không cần phải mở rộng mạng lưới vật lý, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh dịch vụ, nhiều TCTD và doanh nghiệp công nghệ tài chính luôn mong muốn Chính phủ và NHNN sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để mô hình ngân hàng đại lý (agent-banking) được nối lại.
Kết quả là vào tháng 6-2024, NHNN đã ban hành Thông tư 07/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động đại lý thanh toán, có hiệu lực từ ngày 1-7-2024, với các dịch vụ đã được mở rộng nhiều hơn so với các đợt thí điểm trước. Theo đó, điều 4 của thông tư này quy định các nghiệp vụ mà đại lý thanh toán có thể thực hiện như: Nhận hồ sơ mở tài khoản và phát hành thẻ; Nộp/rút tiền mặt vào/từ tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước; Nộp tiền mặt để thanh toán dư nợ thẻ tín dụng; Thanh toán lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, chuyển tiền, thu hộ, chi hộ.
Hạn mức giao dịch giữa bên giao đại lý và bên đại lý là theo thỏa thuận, tuy nhiên phải đảm bảo hạn mức giao dịch (bao gồm giao dịch nộp và rút tiền mặt) đối với khách hàng cá nhân, tối đa là 20 triệu đồng/khách hàng/ngày; mỗi điểm đại lý thanh toán được giao dịch không quá 200 triệu đồng/ngày và tối đa 5 tỉ đồng/tháng.
Làn sóng kế tiếp
Như vậy, sau ba năm kể từ thương vụ của Techcombank, thị trường tài chính mới lại chứng kiến thêm một sự hợp tác mới trong việc phát triển mô hình đại lý thanh toán. Thương vụ giữa VPBank và Thế giới Di động là thương vụ triển khai mô hình đại lý thanh toán đầu tiên kể từ khi Thông tư 07 được ban hành, và dự kiến có thể châm ngòi cho làn sóng triển khai mô hình này mạnh mẽ hơn trong giai đoạn kế tiếp.
Ngoài những lợi ích về tiết giảm chi phí mở rộng mạng lưới và gia tăng độ phủ của các kênh giao dịch, việc hợp tác với các tập đoàn bán lẻ còn có thể mang lại cơ hội cho các ngân hàng tận dụng tệp khách hàng cơ sở của chính các doanh nghiệp này, để gia tăng lượng khách hàng của mình và bán chéo thêm các sản phẩm dịch vụ khác đến các nhóm khách hàng. Như Thế giới Di động, đây là một trong những doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất hiện nay, với lượng khách hàng giao dịch hàng ngày rất lớn.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng có điều kiện thắt chặt hơn nữa mối quan hệ và cung cấp thêm các dịch vụ tài chính tiện ích cho doanh nghiệp đối tác, như các sản phẩm quản lý dòng tiền, thanh toán, huy động hay tín dụng... Với lượng tiền luân chuyển hàng ngày của các doanh nghiệp bán lẻ rất lớn, có thể mang lại nguồn vốn huy động không kỳ hạn giá rẻ cho các TCTD nếu tận dụng tốt.
Trong hệ thống các TCTD hiện nay, chỉ có sáu ngân hàng có mạng lưới giao dịch trên 500 điểm, trong đó “Big 4” gồm Agribank, VietinBank, BIDV (HM:BID) và Vietcombank dẫn đầu; phần lớn các ngân hàng có số lượng điểm giao dịch dưới mốc 300 điểm, trong đó 15 ngân hàng có dưới 200 chi nhánh, phòng giao dịch. Độ phủ của hầu hết các ngân hàng hiện nay chỉ mới tập trung tại các thành phố, đô thị lớn, còn khu vực nông thôn gần như đang bỏ ngỏ, có mỗi sự hiện diện của Agribank.
Trong khi đó, Chính phủ, NHNN trong những năm qua luôn định hướng các TCTD phải ưu tiên mở rộng địa bàn hoạt động tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, để đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Thông tư 32/2024/TT-NHNN quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại (NHTM) được ban hành vào cuối tháng 6-2024 cũng đã bổ sung nhiều quy định khuyến khích các ngân hàng tăng cường sự hiện diện về khu vực nông thôn.
Dù vậy, với nguồn vốn điều lệ vẫn còn có những giới hạn nhất định và khó có thể tăng nhanh, trong khi theo quy định thì số lượng đơn vị mạng lưới phải dựa trên quy mô vốn của các TCTD, việc mở rộng mạng lưới nhanh không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là khi các ngân hàng vẫn ưa chuộng tập trung tại các đô thị vì kỳ vọng hiệu quả kinh doanh sẽ cao hơn. Do đó, mô hình đại lý thanh toán là lựa chọn tối ưu dành cho các ngân hàng để tăng cường sự hiện diện nhiều hơn tại khu vực nông thôn, trong đó các cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc, bưu điện hoặc cửa hàng bán lẻ xăng dầu... sẽ là các đối tác được các ngân hàng ưu tiên lựa chọn.
Điểm đáng lưu ý là dù thông tư mới có mở rộng nghiệp vụ hơn so với khi thí điểm trước đây, nhưng về phạm vi vẫn chưa thể cung cấp các dịch vụ tín dụng và tiết kiệm như ở mô hình đại lý ngân hàng đang được triển khai tại nhiều quốc gia, có lẽ do vẫn còn những e ngại về rủi ro khi cung cấp các dịch vụ này. Về cơ bản, đại lý thanh toán chỉ đơn thuần tập trung vào xử lý các giao dịch thanh toán cụ thể, còn đại lý ngân hàng có thể mở rộng cung cấp các dịch vụ tài chính toàn diện hơn đến khách hàng.
Dù vậy, có lý do để kỳ vọng các quy định pháp lý sẽ liên tục được rà soát và điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, do đó mô hình đại lý thanh toán có thể mở rộng hơn nữa các dịch vụ tài chính tiện ích cung cấp cho khách hàng trong những năm kế tiếp.
Thụy Lê