Vietstock - Cách mạng 4.0: “Lợi thế của Việt Nam không phải là lao động giá rẻ”
Lợi thế mà các bạn có được liên quan đến yếu tố con người. Đó là đặc tính của người Việt Nam: cần cù, quyết tâm”, nguyên Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy bình luận về lợi thế của Việt Nam, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đến gần.
Ông có đánh giá như thế nào về tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam kể từ khi gia nhập WTO cho đến nay?
Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều từ toàn cầu hóa và là một ví dụ thành công về tiến trình hội nhập kể từ sau dấu mốc gia nhập WTO 10 năm trước. Việt Nam đã biết tận dụng lợi thế của mình về nguồn nhân lực và hưởng lợi trong những lĩnh vực mà nhân lực đóng vai trò quan trọng.
Tôi thấy rằng việc gia nhập của Việt Nam vào WTO là một thành công, và đã giúp Việt Nam phát triển rất tốt, thuộc nhóm các nước có tăng trưởng cao trên thế giới.
Trong nền kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển cũng không cao bằng các nước mới nổi. Ví dụ như Mỹ và Nhật có tốc độ tăng trưởng chỉ khoảng từ 2-3%. Châu Âu thì thậm chí còn thấp hơn. Tôi mong rằng Việt Nam sẽ cố gắng duy trì được mức tăng trưởng đó.
Nhưng Việt Nam còn có những hạn chế gì trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, và theo ông thì cách khắc phục chúng như thế nào?
Trong việc Việt Nam gia nhập WTO, bước đầu đã có thuận lợi, đạt được mức tăng trưởng trung bình của thế giới, nhưng vẫn đứng trước và cần vượt qua nhiều thử thách như vấn đề cạnh tranh thị trường, việc doanh nghiệp tư nhân hội nhập nhanh hơn doanh nghiệp Nhà nước…
Một số những hạn chế trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng khiến cho tiến trình hội nhập kinh tế chậm lại. Nguyên nhân là các doanh nghiệp Nhà nước gần với quyền lực của cơ quan quản lý Nhà nước, và nhiều khi được quản lý bằng các lý do về mặt hành chính. Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân có thể dễ thích nghi hơn.
Ngoài ra còn có vấn đề về tham nhũng, điều mà Viêt Nam không phải là ngoại lệ. Nhưng điều mà tôi muốn nói ở đây là với quãng lùi thời gian mà tôi tính được, Việt Nam đã vươn mình ra thế giới thông qua các hoạt động cải cách và mở cửa, nó đòi hỏi một tiến trình về mặt chính trị đặc biệt.
Nhưng tôi không bi quan về vấn đề này, bởi tôi nhận thấy Việt Nam có khả năng ứng phó, có quyết tâm, kì vọng, năng lực để làm điều này. Việt Nam hoàn toàn có khả năng chịu khó chịu khổ để vượt qua được những khó khăn trong quá trình đổi mới và cải cách.
Ông nói Việt Nam đang hội nhập tốt, nhưng thực tế cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang phải vượt qua những thách thức trong thương mại khi các nước phát triển đang có xu hướng áp đặt các biện pháp bảo hộ thương mại. Vậy theo ông, Việt Nam nên ứng phó như thế nào?
Điều này cũng logic và bình thường thôi. Khi mở cửa thì chắc chắn sẽ có những người e ngại xáo trộn, sợ thay đổi. Đây là một nguyên tắc khi chúng ta mở cửa cho thương mại và nó là tiền đề cho quá trình này.
Chắc chắn không có một quá trình mở cửa nào hoàn toàn thuận lợi. Bao giờ cũng có cả tích cực và tiêu cực gây khó khăn cho một số đối tượng. Vấn đề chính ở đây là làm sao tiến trình này phải được thực hiện tiến hành trong điều kiện công bằng.
Tự do thương mại là tốt nhưng thương mại công bằng còn tốt hơn. Để tiến trình này phát huy được tác dụng tối ưu thì điều quan trọng là chủ thể tham gia thương mại phải tham gia trong một tâm thế bình đẳng.
Liệu Việt Nam có đủ năng lực cạnh tranh hay không và khi tham gia cạnh tranh có bình đẳng hay không? Tôi tin là có cạnh tranh bình đẳng, bởi nếu không thì Việt Nam đã không tham gia WTO. Đây là một mô hình để đàm phán, giải quyết các vấn đề công bằng thương mại với cơ chế đa biên.
Với những quốc gia như Việt Nam thì cần phải chuẩn bị cho mình những tiêu chí ngày càng khắt khe, chặt chẽ hơn.
Theo ông, Việt Nam có những lợi thế gì trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0?
Việt Nam hiện đang ở trên mức tăng trưởng trung bình của thế giới, cao hơn cả những nước có trình độ tương đương, nghĩa là Việt Nam đã đổi mới thành công.
Lợi thế mà các bạn có được liên quan đến yếu tố con người. Đó là đặc tính của người Việt Nam: cần cù, quyết tâm.
Những vấn đề di dân, an ninh mạng sẽ có ảnh hưởng quan trọng tới quá trình hội nhập quốc tế và Việt Nam không nằm ngoài những rủi ro đó.
Trong thời gian tới, Việt Nam nên đầu tư cho công tác đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Tôi nghĩ rằng chiến lược thành công để chống lại mọi rủi ro là đầu tư vào trí tuệ.
Trong cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam cần phát huy hơn nữa lợi thế của mình là trí tuệ và chất xám, chứ không phải lao động giá rẻ...