Vietstock - Càng thoái vốn, doanh nghiệp nhà nước càng phình to
Từ năm 2016 đến nay, quy mô doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa ngày càng lớn trong khi tái cấu trúc quản trị chưa tốt, kỷ luật tài chính, kỷ luật ngân sách chưa có dấu hiệu cải thiện.
Tại Hà Nội ngày 28-6, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Đánh bùn sang ao!
Trong bối cảnh từ năm 2018, không biết trông chờ vào yếu tố nào để tăng trưởng khi khả năng khai thác thêm dầu để bán hoặc xuất khẩu khoáng sản đã cạn kiệt thì việc đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN được xem như một chỗ dựa cho nền kinh tế. Bởi theo tính toán, chỉ tăng 1% hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước thì GDP có khả năng tăng 8%.
Ông Nguyễn Đức Trung, Trưởng Ban Vĩ mô CIEM, cho biết từ nay đến năm 2020, cả nước sẽ sắp xếp 240 DNNN, trong đó cổ phần hóa (CPH) 137 DN. Dự kiến, số cổ phần nhà nước bán ra đạt tối thiểu trên 296.362 tỉ đồng.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá đây là nguồn lực rất lớn nhưng chưa chắc trở nên hiệu quả nếu không có sự thay đổi trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các DN. Hơn 10 năm CPH, số vốn giảm của các DNNN không bằng số vốn đầu tư thêm trong khi hiệu quả làm ăn của DNNN lại giảm so với giai đoạn trước. "Tôi giật mình vì vốn nhà nước rút khỏi DNNN lại được đầu tư trở lại cho DNNN, không đưa vào thị trường để lực lượng khác sử dụng. Sau một thời gian tái cơ cấu, CPH vài trăm DN nhưng chỉ bán vốn được 8%, còn lại nhà nước vẫn nắm trên 90% thì không giải đáp được bài toán sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước. Như thế là thu hồi vốn ở DN này chuyển sang DN khác, đánh bùn sang ao, không thay đổi được gì" - bà Lan nhận xét.
Trong một nghiên cứu công bố tại hội thảo, CIEM đã chỉ rõ kết quả CPH giai đoạn 2011-2015 đạt 93% kế hoạch về số lượng nhưng chất lượng thấp. Từ năm 2016 đến nay, quy mô DNNN CPH ngày càng lớn trong khi tái cấu trúc quản trị chưa tốt, kỷ luật tài chính, kỷ luật ngân sách chưa có dấu hiệu cải thiện.
Cần quyết tâm và có người chịu trách nhiệm
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, phân tích sở dĩ có nghịch lý khu vực DNNN sau CPH càng phình to chứ không nhỏ là do không bán vốn nhà nước tại DN mà phát hành thêm cổ phần để huy động vốn bên ngoài. Như vậy là không đúng mục tiêu rút vốn nhà nước khỏi các lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ, tập trung nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng và các vấn đề xã hội về y tế, môi trường như chức năng của nhà nước. "Nếu không có đầu tư thêm của nhà nước thì không tăng trưởng nhưng đầu tư thêm thì xã hội lo ngại thất thoát, lãng phí. Không biết cái gì làm trước, cái gì làm sau, thiết lập quản trị, nâng cao hiệu quả quản lý rồi mới thực hiện đầu tư hay làm ngược lại. Xã hội đang có tâm lý quản lý kém thì thà chưa đầu tư còn hơn. Vấn đề này khó nhưng có thể làm được ngay nếu thực sự quyết tâm và có người nhận trách nhiệm. Chỉ cần xử lý được vài vụ việc, niềm tin trong xã hội sẽ trở lại, tạo được hứng khởi trong dân vì họ rất kỳ vọng vào một sự thay đổi" - ông Cung nhấn mạnh.
Theo ông Cung, phải nhìn nhận vấn đề tái cơ cấu DNNN sẽ "sát phạt" hơn thay vì không làm gì cũng không sao như hiện nay. Dư địa để tạo nguồn lực cho tăng trưởng từ khu vực này rất lớn và không khó làm. Hiện nay, số cổ phiếu của DNNN giao dịch trên thị trường chứng khoán chiếm khoảng 9% GDP, chỉ cần đẩy mức giao dịch lên 15%, bắt buộc các DN đã CPH phải lên sàn sau 12 tháng như quy định và bán hết vốn tại các DN này (trừ lĩnh vực ngân hàng) thì mỗi năm có khoảng 11-12 tỉ USD. Giải pháp này vừa không mất thời gian định giá DN, không lo bán tài sản nhà nước dưới giá thành... như những vướng mắc cố hữu của quá trình CPH DNNN và có thể thu được hiệu quả ngay. Thực hiện giải pháp này là có đủ nguồn lực giải quyết các vấn đề lớn của đất nước như xây sân bay quốc tế Long Thành, đường cao tốc và quan trọng là có thể có tăng trưởng GDP 8%-9%. Nếu không có sự quyết tâm trong tái cơ cấu DNNN thì tăng trưởng 6%-7% cũng là rất khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam.
Chưa đạt mục tiêu Năm tháng đầu năm 2017, cả nước CPH được 3 DNNN và 2 đơn vị sự nghiệp; công bố giá trị 38 DN nhưng chưa phê duyệt phương án CPH và đang xác định giá trị 107 DN. Tính chung từ năm 2011 đến nay, gần 600 DNNN được CPH, quá trình tái cơ cấu thực hiện được nhiều việc nhưng chưa đạt mục tiêu, thể hiện ở vốn thu hồi thấp; tái cấu trúc quản trị chậm; cơ cấu lại sản phẩm, dịch vụ chưa rõ nét, đặc biệt là hiệu quả sản xuất kinh doanh thậm chí giảm so với các giai đoạn trước đây. Năm 2015 có 20% tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, lỗ lũy kế, nhiều rủi ro, không tự chủ được về tài chính. Đóng góp thu ngân sách của khu vực DNNN giảm còn khoảng 28%. (Nguồn CIEM) |